Luật Chứng khoán (sửa đổi):

Tăng quyền quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước


Góp ý xây dựng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), nhiều ý kiến ủng hộ việc giữ mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; Các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt. 

Bên cạnh đó, cần tăng thêm thẩm quyền, địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN, bảo đảm tính độc lập của UBCKNN, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).

Trên thực tế hiện nay, việc UBCKNN chưa được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, cưỡng chế thực thi là chưa thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của IOSCO về cưỡng chế thực thi trong quản lý chứng khoán. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền cho UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm.

Cụ thể, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở luật hóa quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính.

Bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của UBCKNN trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK, bao gồm: tổ chức, phát triển TTCK; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…

Về xử lý vi phạm, có ý kiến đề nghị đối với những hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán đã được Bộ luật Hình sự quy định thì mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính về hành vi này không được cao hơn mức phạt tiền tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định nguyên tắc mức phạt tiền tối đa đối với một vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, một số ngành, lĩnh vực có mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính gần tương đồng với lĩnh vực chứng khoán như ngân hàng, tín dụng, thăm dò, khai thác dầu khí, bảo vệ môi trường thì quy định về mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi vi phạm hành chính hiện cao hơn mức phạt tiền tối thiểu cùng được quy định đối với hành vi vi phạm này tại Bộ luật Hình sự.

Theo đó, khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua, dù UBCKNN vẫn đặt ở Bộ Tài chính như phương án của Chính phủ, nhưng sẽ được tăng thêm tính độc lập và thẩm quyền. Đặc biệt, thẩm quyền của UBCKNN đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký sẽ được quy định sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự.

UBCKNN được quy định sẽ thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký. Đồng thời, UBCKNN được tăng thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển để trình cấp có thẩm quyền ban hành; trực tiếp giám sát, quản lý các hoạt động giao dịch chứng khoán, dịch vụ chứng khoán; giám sát tổ chức nghề nghiệp xã hội về chứng khoán… Quy định này được cho là sẽ giữ ổn định cho thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, để bảo đảm vị thế trong hợp tác quốc tế, Chủ tịch UBCKNN cũng được quy định là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của UBCKNN, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo phương án này, UBCKNN sẽ tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán - IOSCO, khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về nguyên tắc, quy định liên quan đến tổ chức, cơ cấu của cơ quan quản lý Nhà nước trong luật chuyên ngành phải bám sát quy định của các luật về tổ chức (Luật Tổ chức Chính phủ).

Về điều này, Bộ Tài chính cho biết, cần cân nhắc việc mở rộng thẩm quyền của UBCKNN (theo hướng thay Bộ thực hiện chứng năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký) bởi theo Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ có chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.