Tăng tốc cải cách để phục vụ doanh nghiệp
Doanh nghiệp tư nhân đang phải chịu nhiều áp lực từ thuế, phí, thủ tục hành chính làm cơ hội và khả năng cạnh tranh bị hạ thấp, khiến mãi “không chịu lớn”. Tại Tọa đàm Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/8, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng tốc cải cách để phục vụ doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu Khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore.
Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Cũng theo báo cáo này, có những khoản chi phí như chi phí tiếp cận điện năng ở Việt Nam đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Tuy nhiên, tình trạng kiểm tra nhiều nhưng phát hiện vi phạm chỉ chiếm 0,1%.
Tình trạng thủ tục chồng chéo cũng là nguyên nhân gây bức xúc, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hiện tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2 - 3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại là 3 lần. Đây là tỷ lệ rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, những chi phí này không hạch toán được một cách chính thức, nhưng nếu hạch toán thành tiền sẽ là con số rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã không chịu nổi chi phí này nên phải rút lui. Ông Đông cũng nêu một thực tế, mặc dù nước ta có rất nhiều giấy phép nhưng không nước nào lại nhiều hàng giả, hàng nhái nhiều như nước ta.
Ở các nước, Chính phủ giúp doanh nghiệp phát triển bằng các hàng rào kỹ thuật cực kỳ thông minh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế thế giới. “Điều này để nhấn mạnh rằng, chúng ta đang kiểm soát chặt nhưng thực tế, hàng giả, lậu lại tràn lan, vô hình trung kích cầu cho hàng nhập khẩu và ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước” - ông Đông nói.
Cẩn trọng không có nghĩa là chậm
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã tập trung cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thể hiện rõ trong nội dung Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Các cơ quan quản lý đã vào cuộc, thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt như kỳ vọng, mong muốn của doanh nghiệp và đến nay chất lượng môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách so với các nước ASEAN.
Hiện các bộ, cơ quan quản lý đang tiếp tục rà soát, phát hiện những bất hợp lý trong quy định về điều kiện kinh doanh, nhằm loại bỏ “giấy phép con”, nhưng tốc độ còn chậm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cách làm này khó đạt hiệu quả cao bởi điều đó có nghĩa cơ quan quản lý phải xem lại chính những gì mình đã nghiên cứu, ban hành.
Ngoài ra, không loại trừ tâm lý “tạo thuận lợi cho bên quản lý và đẩy khó khăn cho bên thực hiện” của cơ quan, cá nhân người làm công tác rà soát. Do đó, cần phải có cơ quan độc lập rà soát và trình trực tiếp kết quả lên Chính phủ. Và để giảm thiểu chi phí không chính thức, cần phát triển Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với chi phí chính thức, ông Đông nêu rõ, còn nhiều dư địa để giảm.
“Việc này cần phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan nhà nước phải đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, không lảng tránh. Càng công khai và tường minh bao nhiêu thì việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội sẽ càng tốt” - ông Đông nói. Bên cạnh đó, cần có phản biện trong việc ban hành các chính sách quản lý trong khi vẫn tôn trọng quyền quản lý của các bộ, ngành.
Các quy trình thực hiện việc tuân thủ của doanh nghiệp cần phải tường minh, dễ hiểu; phải cẩn trọng trong việc giảm thiểu tùy tiện, chủ quan của người quản lý. Tuy nhiên, cẩn trọng không có nghĩa là làm chậm vì dễ dẫn đến tụt hậu.