Tăng ứng dụng Công nghệ thông tin để phục vụ người nộp thuế tốt hơn

Theo baohaiquan.vn

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý của ngành Thuế đã gặt hái được nhiều thành công trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một công cụ đắc lực phục vụ người dân và doanh nghiệp, cơ quan Thuế còn phải tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Khi các dịch vụ công hoàn thiện, người nộp thuế không cần phải đến cơ quan Thuế vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình. Ảnh: T.Linh.
Khi các dịch vụ công hoàn thiện, người nộp thuế không cần phải đến cơ quan Thuế vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình. Ảnh: T.Linh.

Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Tổng cục Thuế, với sự nỗ lực của cả hệ thống cũng như sự chỉ đạo phối hợp của các đơn vị liên quan, trong những năm vừa qua, CNTT ngành Thuế đã triển khai thành công 2 nội dung trọng tâm.

Trước hết là xây dựng hệ thống quản lý thuế tập trung tích hợp trên cấp Tổng cục, sử dụng các giải pháp được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, qua đó hỗ trợ công tác quản lý thuế của Ngành. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong cung cấp các dịch vụ điện tử cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Cho đến nay, 99% DN đã khai thuế điện tử và 80% DN đăng ký nộp thuế điện tử. Các dịch vụ khác như hoàn thuế điện tử, cá nhân kinh doanh khai điện tử, khai nộp phí trước bạ nhà đất điện tử và hóa đơn điện tử đã bước đầu được triển khai khá suôn sẻ, một số dịch vụ bắt đầu đi vào áp dụng chính thức. Các dịch vụ này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và DN, mà còn tạo thuận lợi cho cơ quan Thuế, giảm nguồn lực, đem lại các thông tin quản lý chính xác hơn.

“Trước những hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng CNTT, ngành Thuế rất mong muốn đem tiến bộ khoa học công nghệ, tiến bộ của CNTT để vận dụng vào công tác quản lý để công tác quản lý tốt hơn nữa song một vài tồn tại cũng cần được nhìn nhận để khắc phục” - ông Toàn nói. Có thể kể đến việc phần mềm quản lý thuế tập trung hiện tuy đem lại nhiều hiệu quả nhưng chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý của cán bộ thuế, cơ quan Thuế cũng như phục vụ cho dịch vụ điện tử. Bản chất vấn đề là cần phải hoàn thiện về mặt pháp lý cũng như quy trình quản lý để phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với mô hình quản lý tập trung của Việt Nam.

Về công nghệ, giải pháp đặt ra là phải tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ và trên cơ sở đó nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đầy đủ chính xác hơn. Để làm được điều này cần phải có lộ trình từ 2 đến 3 năm để tái thiết kế quy trình, mất 3 năm để nâng cấp được hệ thống quản lý thuế. Khi đó, hệ thống CNTT thuế sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng cần phải hoàn thiện, xây dựng hệ thống kho cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ từ nguồn dữ liệu của ngành từ các bộ, ngành, đơn vị khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Hải quan,... để làm cơ sở xây dựng hệ thống quản lý rủi ro. Điều này vừa nhằm đáp ứng thông lệ quốc tế, vừa khắc phục được hạn chế về nguồn lực thanh tra, kiểm tra. Việc quản lý rủi ro sẽ tạo thuận lợi lớn cho DN, cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật, đồng thời tập trung để thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn đối với DN kinh doanh vi phạm pháp luật.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Cục trưởng Cục CNTT nhấn mạnh là việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế để nâng cao thêm chất lượng, phục vụ tốt hơn nữa. Các dịch vụ đã có sẽ tiếp tục được hoàn thiện song song với mở rộng thêm dịch vụ khác như trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế tiến tới điện tử hóa toàn bộ như các thông báo về đôn đốc kê khai, thông báo nợ, các quyết định cưỡng chế nợ.

Nói cách khác, những văn bản này sẽ được gửi điện tử cho người nộp thuế, cho phép người nộp thuế trực tiếp vào hệ thống cơ quan Thuế để truy vấn thông tin các nghĩa vụ chưa hoàn thành, số nợ của người nộp thuế giúp họ nắm bắt được đầy đủ chính xác các nghĩa vụ người nộp thuế trong hệ thống cơ quan Thuế, kể cả phần thực hiện chưa điện tử được như giấy xác nhận của cơ quan Thuế về nghĩa vụ người nộp thuế đang làm thủ công. Nhờ đó người nộp thuế có thể ngồi ở bất cứ đâu và thực hiện toàn bộ nghĩa vụ và nhu cầu người nộp thuế cần. Đây là kế hoạch sẽ được ngành Thuế tập trung triển khai tới đây nhằm giảm giờ nộp thuế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, trên cơ sở thay đổi về quy định nghiệp vụ, thay đổi về chính sách, ngành Thuế xác định yêu cầu chi tiết để lên các phương án triển khai áp dụng vào hệ thống CNTT, từ đó tăng cường hơn nữa tính chủ động và hiệu quả ứng dụng trên thực tế.