Tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông
Xác định phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đang dồn lực tháo gỡ khó khăn, tăng tốc tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Tháo gỡ nhanh vướng mắc
Sau Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan đã tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng thời ban hành các nghị quyết, thông tư, quy chế phối hợp, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai từng dự án, bảo đảm các mốc thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kiện toàn, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, rà soát nguồn cung cấp vật liệu, ưu tiên triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng.
Trong phiên họp mới đây, các địa phương báo cáo lại tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia, giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, phần việc. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 3 dự án trọng điểm Quốc gia ngành Giao thông Vận tải triển khai. Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua nguồn vốn ngân sách bổ sung gần 2.000 tỉ đồng, đang tháo gỡ khó khăn với nhà thầu nước ngoài đã và chuẩn bị trở lại thi công. Với dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô, TP. Hà Nội đã giao UBND 7 huyện có tuyến đi qua làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng. Sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hưng Yên để sớm chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu cho dự án và các vấn đề liên quan đến phương án giải phóng mặt bằng.
Còn đối với dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự án cơ bản đáp ứng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Theo kế hoạch của thành phố, dự kiến tháng 9-2022 hoàn tất giao ranh giới mốc, tháng 11-2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần. Riêng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn; nếu việc thẩm định, phê duyệt, hoàn tất thủ tục thì sẽ khởi công năm 2023.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết đối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sớm ưu tiên chuyển kinh phí cho tỉnh Hậu Giang đã đăng ký năm 2022 để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời sớm bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ và khu nhà điều hành hệ thống giao thông thông minh để kiểm đếm, lập phương án bồi thường dứt điểm.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay vẫn còn một số việc cần tập trung tháo gỡ. Điển hình như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, triển khai từ giữa năm 2019, đến nay vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương, triển khai từ năm 2011 đến nay mới giải phóng mặt bằng đạt 85,15%. Đến nay các địa phương chưa cam kết đủ nguồn cát đắp cho các dự án. Các tỉnh, thành phố còn lúng túng về thủ tục khai thác các mỏ cát mới và xác định chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp điều phối đất đào sang đất đắp trong phạm vi dự án. Đối với các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế thủ tục triển khai đan xen giữa các thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài…
Đổi mới cách làm - khơi thông điểm nghẽn
Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian tới sẽ tăng cường chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai thi công bảo đảm thông xe 4 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2022. Hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu và các thủ tục liên quan để khởi công các dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào cuối năm 2022. Triển khai thực hiện các dự án để cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.
UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tập trung công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần. Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch liên quan. Tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ để triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các tỉnh phối hợp đề xuất khó khăn vướng mắc và giải quyết nhanh nhất, không để ảnh hưởng tới tiến độ. Các dự án sử dụng vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nguồn tăng thu tiết kiệm chi phải giải ngân năm 2023, do vậy đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung ngay vào công tác chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục và giải ngân vốn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo, cho rằng: Đường đi đến đâu, văn minh đi đến đó. Địa phương nào giao thông phát triển thì kinh tế - xã hội phát triển. Đảng và Nhà nước xác định phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược với mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Hiện nay, Nhà nước đã dành nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng giao thông, nhiệm vụ lúc này là phải thực hiện thật tốt, vì đất nước, vì Nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương, đề cao vai trò người đứng đầu, đánh giá nghiêm minh. Phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp giữa các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn nhanh chóng; giữa các địa phương phải kết hợp và hỗ trợ nhau về nguồn cung vật liệu xây dựng. Chú trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong dân đối với các dự án. Đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các dự án có tiến độ hoàn thành trong năm nay cần bám sát tiến độ.
Các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các công việc đã được phê duyệt, nhất là các tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022; hoàn thành và thẩm định phê duyệt các dự án liên quan thủ tục khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; phấn đấu cơ bản nối thông dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30/6/2025. Đối với các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đề nghị phát huy hiệu quả công việc đã triển khai, cần làm tốt hơn, không được để tái chậm trễ.
Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải. Thủ tướng Chính phủ Phạm minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, gồm: Đường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Đông; Bến Lức - Long Thành; Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.