Tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội

Theo An Trân/nhandan.vn

Sáng 5/7, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 7 để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, dự kỳ họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Thông tin về các nội dung của kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Kỳ họp sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022.

Các đại biểu cũng sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 16 báo cáo, 1 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: cho ý kiến về định hướng, quan điểm đối với dự thảo Đề án Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất; chương trình phát triển nhà ở thành phố; quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực xây dựng khu vực nội thành; thông qua danh mục các cơ sở nhà, đất di dời do không phù hợp quy hoạch trên địa bàn...

Đáng chú ý, HĐND TP. Hà Nội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến về 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm: Tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. 

Dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, song bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, với sự nỗ lực các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, Hà Nội đã kịp thời ứng phó thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thành phố đã tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí nhấn mạnh, kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế chính sách để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Thủ đô và cả nước. Trong đó, có 14 Nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách, định mức chi trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy, các đại biểu cần thảo luận kỹ, theo nguyên tắc cấp nào làm tốt việc gì thành phố sẽ giao cấp đó thực hiện. Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng mong muốn các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục phát huy cao nhất các kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp. Nhất là chất lượng thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn theo hướng: Tập trung vào những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm; những vấn đề lớn, vấn đề khó để bàn đưa ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, HĐND thành phố cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định các nội dung quan trọng của thành phố; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp; lựa chọn đúng các vấn đề quan trọng, cấp bách và đòi hỏi từ thực tiễn để bàn và ra nghị quyết có tính thiết thực, khả thi.