Thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp đóng vai trò ra sao trong nâng cao năng suất?

Ánh Dương

Để nâng cao năng suất, chất lượng trở thành thói quen trong doanh nghiệp, việc thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp, người lao động giữ vai trò rất quan trọng.

Năng suất, chất lượng là thước đo thành công của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Năng suất, chất lượng là thước đo thành công của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Năng suất, chất lượng là thước đo thành công của từng doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế. Ngày nay, Việt Nam đang hội nhập mạnh với thế giới và từng bước xây dựng thương hiệu, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, vấn đề cải tiến năng suất, chất lượng đang là câu chuyện thường xuyên, liên tục.

Năng suất của nền kinh tế có 3 yếu tố chính là năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp). TFP cũng chính là những đóng góp từ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào năng suất.

Khi dư địa để tăng năng suất từ năng suất lao động và năng suất vốn không còn nhiều thì việc bơm thêm vốn, tăng lao động vào nền kinh tế rất khó thực hiện.

Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn.

Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững. Vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.

Việc tăng TFP chính là động lực để thúc đẩy tăng năng suất trong DN cũng như năng suất của nền kinh tế nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Có nghĩa là các yếu tố khoa học - công nghệ phải được ưu tiên áp dụng.

Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực và ý thức lao động phải được nâng lên để hấp thụ tối đa được chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Hiện nay, nhiều DN chỉ áp dụng một hệ thống quản lý. Phần đông trong số đó áp dụng hệ thống nhằm giải quyết nhiều vấn đề về mặt tổ chức gặp phải ở một thời điểm. Đa phần DN không có khả năng tự cải tiến và chuẩn hóa công việc hàng ngày và dần xây dựng một hệ thống quản lý cho riêng mình.

Đến một lúc nào đó, DN lớn lên, quy mô mở rộng, nếu không có sự kiểm soát và hoạt động một cách tự phát thì khi có sự cố sẽ rất nghiêm trọng. Đây là giai đoạn DN có nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý.

Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới đang thay đổi từng ngày và công nghệ cũng vậy. Muốn phát triển bền vững và phù hợp với bối cảnh ấy, Nhà nước cần đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp liên kết giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để từ đó tăng cường chuyển giao công nghệ và tăng hiệu ứng lan tỏa công nghệ.

Ở góc độ cụ thể, để nâng cao năng suất, chất lượng trở thành thói quen trong DN, việc thay đổi tư duy của chủ DN, người lao động giữ vai trò rất quan trọng.

Trong DN, năng suất không chỉ là yếu tố sống còn mà còn cần phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Việc cải tiến khoa học, kỹ thuật là ngay từ chính người lao động thông qua việc học tập các công cụ cải tiến.