Thấy gì từ khuyến nghị rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu?
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, song đi cùng với đó là những rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư (NĐT). Đáng chú ý, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã lên tiếng khuyến cáo đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng vẫn có không ít vụ việc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT.
Sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trong những năm qua, thị trường TPDN đã tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Đây là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các NĐT.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.
Trong số này, nhóm DN bất động sản phát hành hơn 214 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%, với lãi suất từ 8%-13%/năm. Đáng chú ý, 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Bước sang năm 2022, nhiều DN có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không đảm bảo bằng tài sản trong năm 2022. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 9,5%/năm, nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
Hay như trường hợp của Công ty cổ hần Chứng khoán Thành Công đã phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm, nhằm tài trợ cho các giao dịch cho vay ký quỹ, đầu tư...
Nhiều lần cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư
Các động thái phát hành trái phiếu của các DN cho thấy, diễn biến trên thị trường TPDN hiện đang tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường đối với NĐT khi tham gia thị trường này. Để ứng phó với tình trạng này cần có những động thái, thông điệp cảnh báo rủi ro kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước đối với NĐT.
Trong những năm gần đây, trước những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đối với NĐT, các bên tham gia, DN phát hành khi tham gia thị trường TPDN.
Cụ thể, cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã kịp thời phát đi cảnh báo rủi ro đầu tiên đối với các NĐT. Tiếp đó, trong hai năm (2020, 2021), trong bối cảnh thị trường TPDN tăng nóng, Bộ Tài chính liêp tiếp phát đi thông điệp cảnh báo rủi ro đối với NĐT.
Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã hai lần ký văn bản chỉ đạo (tháng 9 và tháng 12/2021) các cơ quan chức năng trong ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường TPDN.
Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho NĐT, tại các văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN của các DN trên thị trường...
Trong các lần phát đi thông điệp cảnh báo thông qua cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ Tài chính đều nhấn mạnh, DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, NĐT phải đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu phát hành, tài sản bảo đảm, đơn vị tư vấn, bảo lãnh… trước khi quyết định mua TPDN.
Đánh giá cao về các cảnh báo của Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các thông điệp cảnh báo rủi ro phát đi trong thời gian qua là rất kịp thời, hữu ích và cần thiết đối với NĐT trong bối cảnh thị trường TPDN phát triển “nóng”. Đây cũng là thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi chào bán trái phiếu, công bố thông tin sai sự thật để “qua mặt” các NĐT của các công ty/DN trên thị trường.
Vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và câu chuyện "làm sạch" thị trường
Thực tế những năm qua cho thấy, trên thị trường TPDN tồn tại không ít loại “trái phiếu 3 không”: Không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Với chủng loại trái phiếu này tiềm ẩn không ít rủi ro cho các NĐT khi tham gia thị trường. Vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là điển hình về hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường.
Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của DN này, ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo Cổng Thông tin Bộ Công an, kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông) và các công ty liên quan đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của NĐT nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Trái phiếu của 3 công ty này được quảng cáo trả lãi suất cho NĐT lên đến 12%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng nhằm huy động vốn thực hiện các dự án bất động sản.
Trước đó, ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty này, các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của họ.
Liên quan tới vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra các tổ chức tư vấn, hồ sơ chào bán, đại lý phát hành cho các đợt chào bán của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong trường phát hiện vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, từ vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thể thấy, để bảo vệ NĐT và làm “sạch” thị trường TPDN, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp mạnh, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát hành vi phát hành TPDN của các công ty trên thị trường; có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các DN vi phạm hành vi phát hành TPDN; thường xuyên phát đi những thông điệp cảnh báo rủi ro đến các NĐT trên thị trường...