Thị trường Chứng khoán Việt Nam và triển vọng phát triển mới
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế, ngày càng lớn mạnh và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2017, nền kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, hứa hẹn nhiều triển vọng lạc quan đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam và mục tiêu nâng hạng, hội nhập mạnh mẽ
Từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã từng bước phát triển, trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kỳ vọng giúp đẩy mạnh sự phát triển và hội nhập của thị trường dịch vụ tài chính, thông qua các cam kết mở cửa thị trường ở mức cao đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Với các FTA, cơ chế bảo hộ đầu tư cũng được thiết lập từ các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà nước, nhà đầu tư với Nhà nước, nguyên tắc đối xử tối thiểu… được quy định một cách cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Đáng lưu ý là cam kết về cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới sẽ giúp các công ty quản lý quỹ huy động thêm vốn từ các đối tác nước ngoài, mặt khác thúc đẩy các công ty quản lý quỹ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý tài sản.
Bên cạnh đó, cam kết cho phép cung cấp qua biên giới một số dịch vụ chứng khoán cũng giúp tăng chuẩn mực về quản trị công ty, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Nhìn chung, tham gia vào FTA sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam phân bổ lại nguồn lực trong nước theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thời gian qua đã có hàng loạt giải pháp hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển đã được thực hiện như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao năng lực quản lý giám sát, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thiện và phát triển thị trường thị trường trái phiếu... cũng được Chính phủ cam kết thực hiện. Các giải pháp này thể hiện rõ mục tiêu mà TTCK Việt Nam đang hướng tới, đó là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho TTCK Việt Nam, giúp TTCK tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tự do hóa là động lực cho TTCK phát triển, tăng hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và tính thanh khoản cho thị trường, khơi thông dòng chảy của luồng vốn đầu tư gián tiếp, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tham gia sân chơi chung với các đối tác đã rất phát triển về thị trường dịch vụ tài chính, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu đặt ra đối với TTCK Việt Nam phải xây dựng các biện pháp quản lý thận trọng, cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm phát triển bền vững thị trường tài chính. Giao dịch xuyên biên giới cũng đòi hỏi sự tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nước ngoài trong lĩnh vực giám sát tài chính.
Tiếp nối những thành công
2016 là năm có nhiều khởi sắc đối với TTCK Việt Nam. TTCK Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và lọt vào “Top” 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, công tác huy động vốn qua TTCK đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng mức huy động vốn trên TTCK ước đạt 348 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng giá trị thu được qua cổ phần hóa, thoái vốn trên TTCK đạt khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công tăng từ 40% lên 64%.
Chỉ số VN-Index đã tăng 15% trong năm 2016, với mức vốn hóa thị trường đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, tương đương 46% GDP, tăng 40%. Thanh khoản thị trường tăng mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.888 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015. Quy mô TTCK ngày càng được mở rộng, trong năm 2016, có 695 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai sàn, 377 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, nâng tổng giá trị niêm yết trên toàn thị trường lên 712 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết đều có kết quả khả quan, một số chỉ tiêu về doanh thu, hàng tồn kho và chi phí tài chính… đã được cải thiện hơn.
Tiếp nối thành công của năm 2016, trong quý I/2017, chỉ số VN-Index đã tăng 7,7% so với quý I/2016. Trong phiên giao dịch 24/3/2017, VN-Index cũng đã vượt đỉnh cao nhất 9 năm qua (đạt 722,14 điểm). Thị trường cổ phiếu đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình gần 50%/năm trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy, TTCK ngày càng có vai trò quan trọng và góp phần định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại theo thông lệ các thị trường phát triển, qua đó bảo đảm sự ổn định, bền vững của hệ thống tài chính. Cùng với đó, tính minh bạch của các công ty niêm yết đã được cải thiện đáng kể, trong đó doanh nghiệp đã quan tâm nhiều đến quản trị công ty, phát triển bền vững. TTCK cũng đã thể hiện được vai trò rất tốt trong công tác thúc đẩy quá trình cổ phần hóa hiệu quả hơn.
Năm 2017, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định và có mức phục hồi cao hơn trong năm 2016. Nền kinh tế trong nước với nhiều điều kiện thuận lợi như: Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức cao; Làn sóng doanh nghiệp lên sàn mạnh mẽ; Đà tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tích cực; Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý; Tín dụng tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... là những động lực cho TTCK Việt Nam tăng trưởng và thu hút các nhà đầu tư.
TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên mới nổi, đây sẽ là một bước thay đổi rất quan trọng về “chất” và vị thế thị trường Việt Nam. Mục tiêu đặt ra đối với TTCK Việt Nam đến năm 2020 là quy mô thị trường cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 60% GDP. TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vững chắc hơn vai trò huy động, phân bổ vốn trong nền kinh tế bên cạnh kênh ngân hàng; mặt khác sẽ là một công cụ để đầu tư, tích lũy tài sản của người dân.
Cùng với các nội dung và giải pháp đồng bộ thực hiện tái cấu trúc TTCK Việt Nam trên 4 trụ cột: hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường thì việc chúng ta kiên trì, quyết liệt thực hiện minh bạch hóa TTCK sẽ là nhân tố mang tính quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc TTCK Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển lành mạnh, bền vững. TTCK Việt Nam tiếp tục được khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Vũ Bằng (2015), Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam;
2. Bộ Tài chính (2015), Báo cáo tình hình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, bảo hiểm;
3. Một số website: http://tapchitaichinh.vn, http://www.ssc.gov.vn.