Thị trường đánh rơi đà tăng, lùi gần hơn về vùng 1.060
Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh sang phiên thứ 2 liên tiếp trong chuỗi giảm 5/6 phiên gần đây, đưa chỉ số quay về ngưỡng điểm của tháng trước.
Diễn biến cân bằng vẫn duy trì trong suốt phiên giao dịch sáng. Sự phân hóa vẫn được thể hiện rõ ràng khi lực cầu chỉ tìm đến một vài nhóm ngành, trong đó nổi bật nhất là nhóm Dầu khí với mức tăng trên 2%.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh nhẹ khiến VN-Index có phần hụt hơi về cuối phiên sáng, giảm nhẹ 2 điểm.
Thị trường vận động quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian và áp lực giảm điểm trở lại ập đến trong phiên chiều. Đà giảm tập trung nhiều vẫn ở nhóm cổ phiếu trụ và nhóm smallcaps. Ngoài ra, tín hiệu phân hóa giữa các mã cổ phiếu cũng đang ngày càng rõ rệt.
Thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình 10 phiên, đạt 13.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, chiều bán càng chủ động gia tăng, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang hiện hữu.
Tính đến 14h, thanh khoản bán chủ động đã lên đến 48.6% tổng thanh khoản toàn thị trường khiến cho chỉ số chung chưa thể lấy lại được sắc xanh.
Tiếp tục duy trì đà bán ròng với thanh khoản 315 tỷ đồng, khối ngoại tập trung bán EIB, HDB, KBC. Kết phiên, VN-Index giảm 5.15 điểm, tương đương với 0.48% xuống 1.064.30. Tương tự VN-Index, VN30 giảm 6,02 điểm xuống 1.074,67 điểm.
Sàn HOSE có khoảng 60% số cổ phiếu giảm giá lúc đóng cửa, so với chưa đến 30% tăng giá. Nhóm VN30 có đến 22 cổ phiếu giảm giá và 8 mã tăng giá.
Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản đánh mất vị thế dẫn dắt thị trường của mình, lần lượt giảm 0,05%, 1,77% và 1,06%.
Trong nhóm Ngân hàng, chỉ BID (+1,2%), STB (+1,3%), TPB (+0,4%) và một số ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn giữ được sắc xanh, còn lại đều phủ đỏ, bao gồm các đại gia CTG (-0,3%), MBB (-0,8%) hay VPB (-0,2%), VCB (-0,1%)...
Nhóm Bất động sản, NVL không còn giữ được “phong độ” bất chấp tin xấu mà đã quay đầu giảm sâu 3,7%.
Nhóm cổ phiếu Bán lẻ (+0,58%) và dịch vụ y tế (+0,43%) phiên này được chú ý trước thông tin số ca mắc COVID-19 gia tăng ở một số địa phương.
Chỉ số dự báo sẽ cần tích lũy thêm vài phiên và cần một phiên tăng điểm với thanh khoản bùng nổ để xác nhận xu hướng tăng giá tiếp diễn.
Với việc chưa thể xác nhận hoàn toàn đà tăng trở lại, vùng hỗ trợ ngắn hạn của xu hướng tăng giá vẫn là quanh ngưỡng 1.054 – 1.056 điểm và vùng kháng cự mạnh của chỉ số vẫn là vùng đỉnh hồi phục tháng 2 tại ngưỡng 1.085 – 1.095 điểm.
Dự báo, trong các phiên tới, chỉ số dự báo sẽ đi ngang tích lũy và siết chặt biên độ giao dịch trở lại.