Thoái vốn tại doanh nghiệp thu về hơn 206 tỷ đồng trong 7 tháng năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 7/2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) báo cáo việc thực hiện thoái vốn nộp tiền về ngân sách nhà nước theo Thông báo số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với giá trị 119,6 triệu đồng, thu về 1,46 tỷ đồng và thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Thương mại du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên với giá trị 6,7 tỷ đồng, thu về 22,1 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, nguyên nhân khách quan là do những bất ổn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, do đặc thù của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là các doanh nghiệp lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra; các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng, sản phẩm dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương.
Nhận định về các nguyên nhân chủ quan, Bộ Tài chính đánh giá, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh. Đồng thời, việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn kéo dài.
Về giải pháp khắc phục, đổi mới, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính nhấn mạnh giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...