Thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
(Tài chính) Nguồn lực bên ngoài (NLBN) đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Không nằm ngoài quy luật đó, Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển rất cần đến nguồn lực bên ngoài để tạo ra “cú huých” ban đầu. Do đó, thu hút nguồn lực bên ngoài là vấn đề trọng yếu luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ở mức cao nhất.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tiếp tục thể chế hóa và khẳng định việc thu hút NLBN trở thành tất yếu, cần được xem xét ở mức độ và phạm vi lớn hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động và tích cực.
Trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút các NLBN thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau và có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) của đất nước.
Thứ nhất, trong gần 30 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 250 tỷ USD vốn đăng ký và đã thực hiện khoảng 100 tỷ USD của hơn 16.000 dự án FDI. Vốn FDI có tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 20%) và đóng góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu (XK), tạo việc làm cũng như cải thiện thu nhập cho người lao động. Nguồn vốn FDI ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam qua chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị kinh doanh hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực. Chẳng hạn, nguồn nhân lực sản xuất các loại linh kiện điện tử cao cấp của Việt Nam được đào tạo thông qua các dự án của các tập đoàn như Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc)…
Tuy nhiên, nguồn vốn FDI của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong chuyển giao công nghệ. Một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường; tình trạng các DN nước ngoài chuyển giá để trốn thuế còn phổ biến. Trong khi đó, cơ cấu dòng vốn FDI hướng nhiều vào bất động sản, gây nên những cơn sốt “ảo”, tình trạng đầu cơ trên thị trường... Điều này đặt ra yêu cầu cần lựa chọn dòng vốn FDI có chất lượng cao.
Thứ hai, ODA được coi là nguồn vốn quan trọng của Việt Nam. Trong vòng 20 năm trở lại đây, tổng số vốn ODA giải ngân ước đạt 36 tỷ USD trong tổng số trên 76 tỷ USD vốn ODA ký kết. Nguồn ODA có tác động lớn đến các dự án có thời hạn thu hồi vốn dài, đặc biệt hiện đại hóa hạ tầng cơ sở về đường giao thông, sân bay, năng lượng… Nó góp phần giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế về hoàn thiện thể chế và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nguồn vốn ODA còn thể hiện sự ủng hộ về chính trị của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nguồn ODA đòi hỏi vốn đối ứng trong nước, năng lực quản lý tốt và cơ chế vận hành minh bạch. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn các khoản nợ ODA phải trả trong dài hạn, đặc biệt là khoản nợ dễ có nguy cơ tăng lên do biến động của tỷ giá. Điều này có thể làm nợ công của Việt Nam tăng lên.
Thứ ba, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đặc biệt thông qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của DN, ngân hàng trong nước. NĐTNN được phép sở hữu với tỷ lệ ngày càng cao trong các DN Việt Nam. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, nguồn đầu tư của NĐTNN trên TTCK Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2-3% tống vốn đầu tư của khối cá nhân và tổ chức trong nước. So với đầu tư trực tiếp, đầu tư vào TTCK có tính rủi ro cao khi NĐTNN có thể thoái lui nhanh, nếu có biến động bất lợi. Việc cho phép NĐTNN sở hữu một tỷ lệ nhất định các DN, đặc biệt các ngân hàng tạo điều kiện để thu hút mạnh hơn NLBN. Tuy nhiên, việc cho phép này tạo điều kiện cho NĐTNN từng bước thâu tóm, thôn tính các cơ sở kinh tế quan trọng trong nước.
Thứ tư, nguồn lực từ xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa và dịch vụ. Nguồn lực này được đánh giá thông qua kim ngạch XNK tăng lên. Năm 2013, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ USD - mức cao nhất từ khi mở cửa nền kinh tế. Nguồn lực này thể hiện ở việc thu về thêm nhiều nguồn ngoại tệ cho đất nước, tiếp cận đến nhiều thị trường mới và khai thác theo chiều sâu các thị trường hiện có. Danh mục mặt hàng XK được mở rộng và cơ cấu XK chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng chế biến, chế tạo và giảm bớt nhóm hàng khoáng sản hoặc hàng sơ chế, nguyên nhiên liệu, góp phần bảo tồn các nguồn lực về khoáng sản, nông sản.
Ngoài ra, xu hướng đàm phán và ký kết các hiệp định song phương và đa phương sẽ tạo ra các nguồn lực thị trường rất lớn đối với các DN trong nước cũng như thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy các ngành có lợi thế so sánh. Nguồn thu từ du lịch quốc tế cũng rất đáng quan tâm với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trung bình 7,5-8 triệu khách/năm, lượng ngoại tệ thu được có thể đạt con số 10-11 tỷ USD/năm. Do đó, cơ sở hạ tầng du lịch cũng cần được nâng cấp, phát triển theo hướng hiện đại.
Thứ năm, nguồn kiều hối và nguồn nhân lực chất lượng cao từ những người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm Việt Nam tiếp nhận lượng kiều hối trung bình khoảng 9-10 tỷ USD. Chính sách khuyến khích Việt kiều định cư ở nước ngoài gửi tiền hoặc đầu tư nhiều hơn về nước đã và đang phát huy tác dụng, nhất là quan điểm đặt Việt kiều trở thành một phần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao của Việt Nam có uy tín ở các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, DN…ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ, chuyển giao kiến thức đối với đội ngũ các nhà khoa học trong nước. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lực này còn hạn chế so với tiềm năng hiện có.
Thứ sáu, nguồn lực thu được từ XK lao động. Mỗi năm Việt Nam XK trung bình được khoảng 80.000 – 90.000 lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ gửi về nước ít nhất từ 180-200 triệu USD/năm. Người lao động XK còn là chủ thể cung cấp thông tin quan trọng về thị trường lao động XK, hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về lối sống, văn hóa tại nơi XK, tăng cường hiểu biết xã hội mà điều đó nếu chỉ làm việc trong nước cần chi phí đào tạo và phổ biến kiến thức. XK lao động gặp phải những khó khăn như tính không ổn định của thị trường và công tác quản lý.
Bên cạnh đó, còn có nguồn lực từ NK lao động trình độ cao như các chuyên gia tư vấn chính sách, chiến lược DN, chuyên gia kỹ thuật, các nhà khoa học đầu ngành và các doanh nhân thành đạt. Trên thực tế, nhiều lao động giản đơn nhập cư vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến việc làm cũng như công tác quản lý.
Thứ bảy, nguồn lực từ đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam. Tính đến hết năm 2012, đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã “phủ sóng” đến 25 quốc gia với tổng số vốn đăng ký 12,87 tỷ USD và vốn thực hiện 3,8 tỷ USD, lượng tiền chuyển về nước đạt khoảng 430 triệu USD và có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới. Thông qua các DN đầu tư ra nước ngoài, nhiều nguồn lực quan trọng về thị trường, nguyên liệu, ưu đãi chính sách của chính phủ sở tại được khái thác và giảm thiểu được rủi ro. Đầu tư ra nước ngoài góp phần hình thành các tập đoàn đa quốc gia của Việt Nam. Đây là nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Thứ tám, nguồn hỗ trợ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ như: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…; Các cơ quan phát triển quốc tế của các chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ về các dự án bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội. Nhiều loại hoạt động từ thiện, học bổng học tập, nghiên cứu, tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế của các tổ chức, DN, tổ chức phi chính phủ cấp cho học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện các học tập và nghiên cứu tại Việt Nam và ở nước ngoài...
Thứ chín, các khoản vay thương mại từ nước ngoài do Chính phủ hoặc các DN tự vay theo quy định của đối tác cho vay nước ngoài theo lãi suất thị trường như thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường trái phiếu quốc tế vay thông qua các quan hệ hay giao dịch kinh doanh và thanh toán theo hợp đồng vay thương mại. Các khoản vay này đóng vai trò cung cấp nguồn tài chính để DN hoặc tập đoàn khắc phục được tình trạng thiếu vốn trong thời gian ngắn và có tác dụng tạo tính liên tục của các hoạt động kinh doanh của DN… Tuy nhiên, những ràng buộc chặt chẽ của đối tác cho vay cũng hạn chế đáng kể việc tiếp cận nguồn lực này.
Thứ mười, các nguồn lực này có thể là thông tin do quan hệ cá nhân tiếp cận được về thị trường, chính sách chính phủ, chiến lược DN, tập đoàn, văn hóa, lối sống, thói quen kinh doanh tại nước ngoài… Nguồn lực này có thể là những giao dịch dân sự như vay mượn cá nhân, khai thác các quan hệ cá nhân, uy tín của tổ chức hoặc tập thể hoặc hỗ trợ nhau trong việc nâng cao kiến thức về ngành nghề, ngoại ngữ, các loại kỹ năng cần thiết để giải quyết những công việc mang tính cá nhân.
Có thể nói, mỗi loại NLBN có đặc thù riêng, cho nên giải pháp khai thác những nguồn lực này cũng khác nhau. Việt Nam có quan điểm khá toàn diện và tổng thể về thu hút nguồn lực trên nguyên tắc Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có giải pháp riêng biệt, có tính cạnh tranh cao như nhiều nước áp dụng chính sách bán quốc tịch, cho thuê đất vĩnh viễn, cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Một số đề xuất, kiến nghị
NLBN là cần thiết và to lớn nhưng cần được thu hút hiệu quả nhằm tạo khả năng chuyển hóa triệt để thành nguồn lực bên trong. Việc thu hút kịp thời và hiệu quả NLBN cũng đồng nghĩa với việc tận dụng cơ hội phát triển. Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, mức độ tiếp cận các nguồn lực ngày càng thuận lợi, cạnh tranh thu hút nguồn lực găy gắt giữa các quốc gia. Việt Nam có chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cho nên cần áp dụng phương châm này trong thu hút NLBN.
Bên cạnh đó, mục tiêu đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường thu hút NLBN. Vì thế, cần có các giải pháp cả từ phía Chính phủ, DN, tổ chức thậm chí đối với các cá nhân với tầm nhìn xa, trông rộng song phù hợp với điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về bản chất của từng loại nguồn lực và có quan điểm tổng thể, toàn diện trong thu hút nguồn lực cũng như quan điểm cụ thể và đặc thù của từng loại. Quan điểm thu hút nguồn lực đòi hỏi loại bỏ các loại định kiến hoặc sự phân biệt đối xử trong thu hút nguồn nhân lực. Do đó, về phía Nhà nước, cần xây dựng chiến lược thu hút NLBN mang tính dài hạn và toàn diện trên nguyên tắc khuyến khích thu hút đến mức cao nhất nguồn lực chất lượng cao từ bên ngoài và bảo hộ thỏa đáng nguồn lực thu hút.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế sàng lọc từng loại nguồn lực và có sự lựa chọn thậm chí khắt khe các nguồn lực có khả năng gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực. Các tiêu chuẩn để đánh giá, sàng lọc NLBN trong từng lĩnh vực, ngành, vùng cần được xây dựng và công bố công khai để các cấp, ngành, địa phương áp dụng phù hợp. Hơn nữa, cần xây dựng quy hoạch thu hút nguồn lực cụ thể, chi tiết, khoa học trên cơ sở dự báo nhu cầu thu hút nguồn lực này hiệu quả.
Việc học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong thu hút NLBN cần được coi trọng đặc biệt cần nghiên cứu và đánh giá cả những bài học thành công và chưa thành công của các quốc gia để xây dựng hệ thống giải pháp có hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, rà soát, đánh giá các chủ trương, chính sách, và biện pháp thu hút NLBN trong thời gian qua để đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân nhằm hoàn thiện cao nhất chính sách, biện pháp, quan niệm cũng như bộ máy thực hiện. Sẵn sàng nói không với các nguồn lực không bảo đảm chất lượng, thậm chí gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Thứ ba, cần phát huy vai trò của các cơ quan ngoại giao, các DN, tổ chức hoạt động, cá nhân đang định cư, học tập ở nước ngoài và các cơ quan chính phủ, cá nhân nước ngoài để khảo sát, tìm hiểu, phân tích, phát hiện và tìm giải pháp khai thác các tiềm năng về NLBN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, đối với DN, tổ chức, cá nhân cần có sự đồng thuận về nhận thức với Chính phủ và các địa phương để vừa tranh thủ thu hút NLBN ở mức cao nhất vừa có giải pháp để giảm thiểu các NLBN tiềm ẩn hoặc bộc lộ tác động tiêu cực để vừa khống chế, giảm thiểu, thậm chí loại bỏ chúng mà chính sách, bộ máy chưa sàng lọc và lựa chọn hiệu quả. Bên cạnh đó, cần coi trọng việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thu hút để tránh lãng phí hoặc bị mất đi do cạnh tranh thu hút từ các quốc gia khác.
_____________________
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng quan ODA ở Việt Nam 15 năm (1993-2008);
2. Hiến pháp Việt Nam 1992, 2013;
3. Luật Đầu tư 2005;
4. Trần Thọ Đạt (2005), Các nguồn lực tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nhà xuất bản Thống kê;
5. Nguyễn Sơn (2011), Quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán Việt Nam;
6. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Thông điệp đầu năm 2014. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 5 - 2014