Tích cực rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 04-NQ/TW

Quốc Việt

Ngày 09/03/2017, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết số 03-NQ/BCSĐ ban hành Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, Chương trình hành động đã đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tích cực rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 04-NQ/TW.

Cần triển khai thực hiện tinh giản biên chế trong toàn ngành Tài chính, cơ cấu, cân đối lại về biên chế trong các ngành lớn như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.
Cần triển khai thực hiện tinh giản biên chế trong toàn ngành Tài chính, cơ cấu, cân đối lại về biên chế trong các ngành lớn như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.

Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính đặt mục tiêu: Tổ chức nghiên cứu quán triệt Nghị quyết nghiêm túc để đảng viên, công chức viên chức và người lao động nhận thức sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, và nhận diện những biểu hiện suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong toàn ngành Tài chính về nguy cơ đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của đảng và chế độ nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nắm vững mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả để từng cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình và tự giá, gương mẫu thực hiện…

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp mà Chương trình hành động đề ra đó là tích cực rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù họp với yêu cầu của Nghị quyết 04-NQ/TW.

Theo đó, trên cơ sở quy định của Đảng và Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính phải thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông trong ngành Tài chính; Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.

Bên cạnh đó, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đơn vị các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiêu dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.

Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Nghị định thay thế Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Chính phủ về không tăng biên chế, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Triển khai thực hiện tinh giản biên chế trong toàn ngành Tài chính, cơ cấu, cân đối lại về biên chế trong các ngành lớn như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.

Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí, tạp chí của Bộ Tài chính phù hợp với Luật Báo chí và các quy định của pháp luật; Khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý đối với các cơ quan báo chí; Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, phát triển hệ thống báo chí tuyên truyền theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin truyên thông đa phương tiện.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”; Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, thuế, hải quan.