Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Trong những năm qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt có sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của thị trường tài chính toàn diện, Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ để tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển trong bối cảnh mới.
Thực trạng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, (từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% vào năm 2016); tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010).
Nhằm hoàn thiện và tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong năm 2016, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán, cụ thể như Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, thay thế một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM; Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...
Về cơ sở hạ tầng, công nghệ, NHNN đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip. Tiếp đến, ngày 09/6/2016, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định 1189/QĐ-NHNN thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Hệ thống ACH tại Việt Nam để phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã và đang thực hiện nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng trong nền kinh tế và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, thực hiện mở rộng việc kết nối hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước với Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Về triển khai công tác giám sát, NHNN thực hiện giám sát, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán do NHNN quản lý và vận hành; giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; Phân tích, đánh giá các rủi ro liên quan đến các hệ thống thanh toán và tham mưu cho Thống đốc các biện pháp kiểm soát rủi ro, đảm bảo sự hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán; Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát (liên vụ) về công tác thanh toán, đảm bảo an toàn, an ninh trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh các nguy cơ, vi phạm các quy định của NHNN; Phối hợp có hiệu quả với Cơ quan Điều tra trong việc xác minh, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra các vụ việc liên quan đến tội phạm trong hoạt động thanh toán.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của dịch vụ TTKDTM và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Cùng với giảm tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán, Đề án còn thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT), thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020 gồm: 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng.
Đồng thời, tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng vào khoảng 70% vào cuối năm 2020.
Một số định hướng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Để thực hiện kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường tính an toàn, bảo mật của các tổ chức cung ứng dịch vụ TTKDTT, theo đó cần chú trọng đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến TTKDTM để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là đối với các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử như tiền điện tử, thẻ ảo… Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện TTKDTM; Quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí TTKDTM; Giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng…
Thứ hai, có kế hoạch nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng: Điều chỉnh mô hình xử lý bù trừ, chuyển sang mô hình xử lý tập trung tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; Nâng cao năng lực, hiệu suất xử lý của hệ thống tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; Tiến tới bổ sung thêm chức năng thanh quyết toán ngoại tệ, xây dựng cấu phần hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng; Mở rộng kết nối hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với các hệ thống thanh toán khác; Nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022…
Thứ ba, tiếp tục phát triển, kết hợp sắp xếp, hợp lý hóa mạng lưới ATM và POS; Phát triển mạnh dịch vụ thanh toán thẻ thông qua thiết bị kết nối với điện thoại di động; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chung đối với thẻ chip nội địa, tạo tiêu chuẩn chung cho thị trường thẻ Việt Nam nhằm thống nhất việc quản lý, định hướng kỹ thuật đối với hoạt động phát hành thẻ ngân hàng tại Việt Nam; Nghiên cứu và xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ giao dịch bán lẻ phù hợp với xu hướng quốc tế.
Thứ tư, tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; Xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ; Hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; Phát triển thanh toán điện tử phục vụ TMĐT; Phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn. Trong đó, về tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; Phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động; tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; Mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM ban hành ngày 1/7/2016;
2. Chuyên đề “Hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ” (Đề tài Nghiên cứu tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam);
3. Đề tài “Hình thức TTKDTM ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, TS. Nguyễn Thanh Mai – Học viện Ngân hàng.