Bộ Tài chính:

Tiếp tục cải cách toàn diện nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Thùy Linh

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 ngày 13/12, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp (DN) để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được triển khai trong thực tế

Tiếp nối truyền thống luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân, trong 3 năm 2020-2022 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Trong những tháng đã qua của năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho DN, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế.

“Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội..., tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, kết quả thu NSNN đã đạt những kết quả tích cực. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN, người dân; góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực chung về phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin, tính đến hết ngày 12/12, ngành Thuế đã thu ngân sách đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng (bằng 97,56% dự toán). Cùng với đó công tác hoàn thuế GTGT cũng được ngành Thuế chú trọng và tích cực thực hiện để tạo thuận lơị tối đa cho DN.

“Những kết quả tích cực đạt được, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN đã nỗ lực cùng quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN về những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN nói riêng”, Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Ưu tiên cải cách hành chính

Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN.
Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với NSNN.

Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể: Từ năm 2014 đến nay (9 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Chỉ số CCHC (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.

Bộ Tài chính cũng luôn chú trọng công tác tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ để đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi nhất cho DN, người dân; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cập nhật và công bố, công khai đầy đủ danh mục điều kiện kinh doanh theo quy định.

Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục Thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế điện tử.

Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; Triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài...

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2023, đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022... Tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và DN, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi.

Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14 % tổng số dịch vụ công; phối hợp với 13 bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn DN đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan, Bộ Tài chính mong nhận được các phản hồi tích cực từ phía cộng đồng DN.

“Qua Hội nghị này, cũng như trong thời gian tới, Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Tính chung, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp DVCTT. Cho đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó: số DVCTT mức độ 1 là 84 (tỷ lệ 10,33%); số DVCTT mức độ 2 là 265 (tỷ lệ 32,6%); số DVCTT mức độ 3 là 55 (tỷ lệ 6,76%); số DVCTT mức độ 4 là 409 (tỷ lệ 50,31%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Bên cạnh đó, DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, DN khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao.