Tiếp tục khắc phục hạn chế, đổi mới công tác cổ phần hóa, thoái vốn

Lê Anh

Để đảm bảo tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đề nghị cần thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, đổi mới công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2023, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Về cổ phần hóa, trong năm 2023 và tháng 1/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Về thoái vốn, trong năm 2023 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,65 tỷ đồng, thu về 22,68 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng, thu về 206,3 tỷ đồng.

Tháng 1/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai các công tác phục vụ thoái vốn theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với những kết quả trên, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, giai đoạn vừa qua, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, các đơn vị chưa thực hiện được như kế hoạch đề ra. Hơn nữa, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài.

Bên cạnh đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chỉ ra hạn chế và giải pháp đối với công tác cổ phần hóa, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, hệ thống pháp luật liên quan đến cổ phần hóa có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu giá… cũng có sự chồng chéo. Đồng thời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cùng một hệ thống pháp luật nhưng có những trường hợp thực kết quả tốt, có trường hợp kết quả không được như mong đợi.

Khắc phục hạn chế, đổi mới công tác cổ phần hóa, thoái vốn

Thời gian tới, để đảm bảo tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đề nghị cần thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, đổi mới công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn...

Đồng thời, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đánh giá thận trọng để xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi, đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản của Nhà nước; đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.

 

TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nhận định, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm; đồng thời, tạo ra được một “làn sóng” thu hút đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân.

Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.

Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cổ phần hóa là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái. Do đó, không nên chỉ xét về giai đoạn, mà nhìn rộng hơn bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp hoạt động tốt, một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hóa rất khó, khó lý thuyết theo kế hoạch đơn thuần. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, không phải vì khó khăn mà dừng lại việc cổ phần hóa.

“Cổ phần hóa đặt trong bối cảnh tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng, cần tiếp tục thực hiện. Vấn đề là phải khắc phục vùng tối và phải nhìn rộng ra mục tiêu của cổ phần hóa, đó là có những việc Nhà nước không làm mà nhường cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.