Tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế 2018

Hồng Thoan

Trước những diễn biến tích cực của nền kinh tế năm 2017 và quý I/2018, các chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thành tựu đạt được tạo đà phát triển

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” vừa diễn ra tại Hà Nội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng trao đổi, chia sẻ, đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. 

Lần thứ hai với tư cách là Bộ trưởng tham dự đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang phát huy những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2017, tận dụng các yếu tố thuận lợi những tháng đầu năm 2018, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhanh, hiệu quả những giải pháp đã đề ra, đẩy nhanh tốc độ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh thành tựu phát triển kinh tế nổi bật trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 được Quốc hội giao và đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38% là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam còn rất nhiều việc cần thực hiện với sự nỗ lực và tập trung lớn của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, như: Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài, để giữ vững đà tăng trưởng năm 2018 cũng như những năm tiếp theo.

Theo đó, đổi mới thể chế được coi là động lực mang tính căn bản đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay là năng suất lao động và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bởi năng suất lao động là nhân tố cốt lõi, quan trọng để cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và yêu cầu đặt ra trong đó là phải tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần thúc đẩy sự liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ

Một động thái mạnh mẽ là ngay cùng ngày diễn ra Hội thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết thể hiện rõ sự kiên định với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Nghị quyết cũng nêu yêu cầu, cần tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh năm 2018. Đồng thời, hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến được cung cấp ở mức độ 3 và 4…

Chính phủ chỉ đạo, đối với các Bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể, cần hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018.
Đối với các Bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm. Các Bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018.

Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP cũng nêu rõ, Bộ KH&ĐT làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP yêu cầu cần tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của WB, trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.