Tình hình kinh tế tháng 1/2018 đạt nhiều kết quả tích cực
Tình hình kinh tế tháng 1 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi. Hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu có xu hướng cải thiện rõ rệt cùng với niềm tin của người tiêu dùng tăng lên là các yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong tháng 1/2018, cả nước có 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 98,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính cả 218,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1 là 316,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 4.587 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1 năm nay lên hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 tăng mạnh với mức 33,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 33,7%. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2018 với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17%; EU đạt 3 tỷ USD, tăng 6,6%; ASEAN đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,7%; Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 18,6%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, tăng 28%... Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính tăng mạnh 47,4%, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết Nguyên đán.
Tuy tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhưng nhìn chung sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định. Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định; chăn nuôi gia cầm đạt khá, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Riêng chăn nuôi lợn, mặc dù giá thịt lợn hơi trong tháng giáp Tết có xu hướng tăng nhẹ nhưng do chi phí không giảm nên người chăn nuôi e ngại tái đàn; các gia trại, trang trại và doanh nghiệp tiếp tục nuôi nhưng có xu hướng phát triển cầm chừng, không tăng quy mô tổng đàn. Sản lượng thủy sản tháng 1 ước đạt 525,7 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 391,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 47,1 nghìn tấn, tăng 6,8%; thủy sản khác đạt 87,1 nghìn tấn, tăng 0,9%.
Điểm đáng chú ý về tình hình kinh tế tháng 1 đó là thu hút vốn FDI lại có xu hướng giảm. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2018 thu hút 166 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 64,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 61 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 456,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn chung, tình hình kinh tế tháng 1 đạt nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao; các ngành dịch vụ đạt khá. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát..., dự báo năm 2018 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh thế giới có những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại; tình hình biến đổi khí hậu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Do đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, ccải cách thể chế, ơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Đồng thời nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó đề xuất thực hiện cụ thể vào một số lĩnh vực ở một số địa phương để Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp trên thế giới…/.