Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN trong nước lần đầu tiên vượt khối FDI
Đây là thông tin được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội.
Xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tăng 17,5%
Đánh giá chung những kết quả ngành công thương đạt được trong 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp được mở rộng và gia tăng liên tục. Nhờ đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung củanền kinh tế.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) tháng9 cao hơn tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.
Đáng kể, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,4% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối là 23,9 tỷ USD. Tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng trưởng 10%). Trong đó, đóng góp lớn vàotăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hànglà: điện thoại các loại, máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may.
Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, tính đến hết tháng 9/2018đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệtmay (22,56 tỷ USD)máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD) máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).
Đáng kể là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn cao hơn thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khốidoanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối FDI.Trong 9 tháng 2018, khốidoanh nghiệp nội xuất khẩu 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập
Có được kết quả trên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là bởi các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Theo đó, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập; tận dụng cam kết hội nhập, cải cách thủ tục hành chínhvà hiện đại hóa việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ghi nhận những kết quả tích cực của hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu, song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, những thách thức không nhỏ có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới.
Theo đó, về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng; xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, với quyết tâm cao nhất định sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2018 mà Chính phủ giao cho ngành công thương. Cụ thể, Bộ Công thương sẽ tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó thức đẩy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước khơi thông thị trường đẩy mạnh xuất khẩu.
Gắn với đó là, Bộ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm 202 điều kiện kinh doanh trong giai đoạn 2019-2020 tập trung vào các ngành nghề như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, rượu, hóa chất, điện lực, ôtô, khoáng sản, than. Như vậy, với đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh lần 2 này, thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương dự kiến đạt 72,1% thay vì 55,%% như trước đó.