Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng

Minh Hà

Ngày 12/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022. Tại Quyết định này, dự kiến, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.927 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu của Chương trình là nhằm đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm huy động vốn vay để thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

Không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn

Theo Quyết định số 448/QĐ-TTg, dự kiến, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.927 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117 nghìn tỷ đồng. Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 là khoảng 1.116 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145 nghìn tỷ đồng.

Quyết định nêu rõ, chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Về mức bảo lãnh của Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.

Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2022-2024, mức bảo lãnh hàng năm tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (15.737 tỷ đồng).

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2022-2024, mức bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (3.851 tỷ đồng) cộng với nghĩa vụ phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15) tối đa 38.400 tỷ đồng.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2024 khoảng 0,3% GDP hàng năm.

Trả nợ của Chính phủ năm 2022 khoảng 335.815 tỷ đồng

Bên cạnh các nội dung trên, Quyết định số 448/QĐ-TTg quy định rõ, kế hoạch vay của Chính phủ trong năm 2022 tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 450.700 tỷ đồng, vay để trẩ nợ gốc không quá 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại là 26.697 tỷ đồng.

Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ gồm: Phát hành trái phiếu chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; (ii) Vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết vay từ các nguồn tài trợ chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2022 khoảng 335.815 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỷ đồng, trẩ nợ của các dự án cho vay lại là 35.966 tỷ đồng.

Ngoài các quy định trên, Quyết định nêu rõ, kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương. Theo đó, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay trong nước khác là khoảng 28.637 tỷ đồng. Trả nợ của chính quyền địa phương là 6.111 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 3.637 tỷ đồng và chi trả lãi 2.474 tỷ đồng.

Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bão lãnh: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thương phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.300 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2021.

Nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nợ công

Để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ động cơ cấu huy động vốn vay, kỳ hạn phát hành trong nước và nước ngoài gắn công tác phát hành với tái cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ.

Sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm.

Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, chủ trì báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa về sản phẩm và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.

Cùng với đó, nghiên cứu, tiến tới áp dụng phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời, theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá.

Đồng thời, Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, trong đó tập trung hình thành cơ quan quản lý nợ công chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; nâng cao trình độ công chức làm công tác quản lý nợ.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 20.400 tỷ đồng (bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm 1.400 tỷ đồng cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội tối đa là 19.000 tỷ đồng). Trường hợp năm 2022 không sử dụng hết hạn mức bão lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển sang năm 2023 để thực hiện, đảm bảo tổng khối lượng phát hành thực tế trong 2 năm không vượt quá 38.400 tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.