Trách nhiệm hình sự khi sa thải người lao động trái pháp luật
Từ ngày 01/7/2016, doanh nghiệp sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Một số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Không phải tất cả các trường hợp sa thải người lao động trái pháp luật đều sẽ bị xử lý hình sự mà chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc các trường hợp dưới đây:
Một là, sa thải làm người lao động hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công
Nếu vì lý do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà tiến hành sa thải người lao động trái pháp luật trong trường hợp này thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt tù treo từ đến 1 năm hoặc phạt tù giam từ 3 tháng đến 1 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015.
Hai là, sa thải từ 2 người trở lên, phụ nữ có thai, người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc làm người đó tự sát
Trường hợp sa thải người lao động trái pháp luật trong những trường hợp nêu trên thì sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng, phải chịu tù treo đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015.
Một số bất cập
Trên thực tế, quy định về trách nhiệm hình sự khi buộc người lao động thôi việc trái pháp luật đã được áp dụng từ ngày 01/7/2000. Tuy nhiên, quy định vào năm 2000 chưa chi tiết dẫn đến việc rất khó áp dụng. Mặc dù quy định mới cụ thể hơn quy định cũ trước đó nhưng một số nội dung vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Điển hình như trường hợp như thế nào sẽ được xem là lâm vào tình trạng khó khăn. Nếu áp dụng hậu quả đình công hoặc tự sát để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi sa thải dẫn đến đình công hoặc tự sát. Bên cạnh đó, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách về thời gian khi xử lý sa thải đối với 2 người lao động, có yêu cùng lúc hay có tính liên tục hay không?.
Tránh bị vi phạm
Để tránh gặp phải rủi ro về pháp lý nêu trên, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục khi sa thải người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Khi người lao động vi phạm, doanh nghiệp không nên vội vàng áp dụng ngay hình thức sa thải mà cần xem xét, kiểm tra kỹ có căn cứ để xử lý kỷ luật sa thải đối với hành vi đó hay không? Việc xử lý kỷ luật có còn trong thời hiệu hay không?
Trong quá trình xử lý, cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc và trình tự xử lý như: phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, phải chứng minh được lỗi của người lao động, phải lập biên bản,...
Trên thực tế PLF ghi nhận, tỷ lệ các doanh nghiệp lâm vào trường hợp sa thải người lao động trái pháp luật là khá cao. Trong đó, nguyên nhân chính có thể là bộ phận nhân sự chưa nắm rõ các quy định pháp luật về lao động, không tuân thủ chặt chẽ thủ tục xử lý kỷ luật, chưa có sự kiểm tra và giám sát khi kỷ luật người lao động.
Và điều cần lưu ý là cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự về sa thải trái pháp luật, người chịu trách nhiệm hình sự là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Do vậy, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về kiến thức pháp lý, tư vấn, giám sát và kiểm tra một cách chặt chẽ quá trình sa thải người lao động.