Trước dòng tiền lớn, giới phân tích lạc quan với lạm phát và lãi suất

Theo Minh Đức/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Có hai dòng tiền lớn đang chảy vào hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng được dự báo tiếp tục bình ổn ở mức thấp, thậm chí giảm những tháng tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) vừa công bố kết quả dự báo từ 25 thành viên là các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty chứng khoán (CTCK) về triển vọng lạm phát, lãi suất, tỷ giá USD/VND và lợi suất trái phiếu Chính phủ tháng 6, cũng như trong 3 tháng tới.

Kết quả công bố ngay trước thời điểm thị trường đón một điều chỉnh quan trọng: Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá mua vào USD, áp dụng từ ngày 8/6. Song dường như các thành viên của VIRA đã lường trước diễn biến này trong dự báo của mình.

 Khá nhiều thành viên dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi xuống trong tháng này  
 Khá nhiều thành viên dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi xuống trong tháng này  

Cụ thể, mức giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng dưới mốc 23.000 VND đã xuất hiện trong dự báo bình quân cho tháng 6 của nhiều thành viên VIRA, dù tháng vừa qua mức bình quân thực tế trên 23.050 VND.

Như vậy, giới phân tích đến từ các NHTM và CTCK đã lường tính hướng điều chỉnh của nhà điều hành, cũng như kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục bình ổn và trượt xuống thời gian tới.

Mức dự báo bình quân giá USD giao ngay liên ngân hàng của VIRA tập trung ở 23.017 VND trong tháng 6, giảm đáng kể so với mức bình quân thực tế 23.055 VND trong tháng 5.

 Dự báo mức tăng CPI bình quân tháng 6 so với cùng kỳ năm trước  
 Dự báo mức tăng CPI bình quân tháng 6 so với cùng kỳ năm trước  

Diễn biến tỷ giá USD/VND có ảnh hưởng đến lạm phát, khi mà Việt Nam đã trở lại nhập siêu đáng kể vài tháng gần đây. Tỷ giá giảm cũng có giá trị giảm thiểu nhất định đến giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, nhất là trong xu hướng giá nhiều mặt hàng tăng mạnh thời gian qua.

Trong khi đó, sau khi bùng phát trở lại trong cộng đồng từ đầu tháng 5, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức cầu và tiêu dùng trên cả nước. Yếu tố này được chú ý trong các tác động đến lạm phát hiện nay.

Về điều hành, Chính phủ tiếp tục có tín hiệu bình ổn giá mặt hàng trọng yếu, giảm giá điện như một sự chia sẻ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh…

Còn theo dự báo của VIRA, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 so với cùng kỳ năm trước vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp, một phần từ hiệu ứng nền dữ liệu thấp, với dự báo bình quân của các thành viên chỉ với mức tăng 2,44%, thấp hơn mức 2,9% mức tăng của CPI tháng 5 so với cùng kỳ năm trước.

 Lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ bình ổn trong tháng 6 sau đợt tăng cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua  
 Lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ bình ổn trong tháng 6 sau đợt tăng cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua  

Điểm đáng chú ý trong kỳ dự báo này tập trung ở lãi suất. Sau đợt tăng mạnh cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, lãi suất VND thiết lập “mặt bằng mới” trên mốc 1,5%/năm trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến này có thể tạo tâm lý thị trường về hướng đảo chiều và tăng lên của lãi suất.

Tuy nhiên, khá nhiều thành viên VIRA lại lạc quan với sự bình ổn ở chỉ tiêu này. Lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ bình ổn trong tháng 6, thậm chí mức bình quân dự báo chung giảm so với đợt tăng vừa qua và về 1,37%/năm.

Sự lạc quan trên gắn với triển vọng hai dòng chảy lớn đang và sắp bổ sung nguồn cho các NHTM. Cụ thể, từ trong tháng 5 hệ thống đã ghi nhận sự trở lại đáng kể của nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước; còn nguồn VND Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ theo kỳ hạn bắt đầu chảy ra với quy mô ước tính khoảng 159.000 tỷ đồng, đặc biệt tập trung trong tháng 7 tới.

Đã có chênh lệch lớn trong dự báo lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa các thành viên VIRA  
Đã có chênh lệch lớn trong dự báo lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa các thành viên VIRA  

Có một điểm ít thấy trong dự báo định kỳ của VIRA đã thể hiện: mức độ dự báo đã lệch lớn giữa các thành viên ở chỉ tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Suốt thời gian qua, dự báo của các thành viên khá sát nhau ở chỉ tiêu này và rất sát với diễn biến thực tế sau đó. Nhưng với tháng 6 này, chênh lệch dự báo lợi suất trái phiếu Chính phủ đã khá lớn; bình quân dự báo chung ở 2,23%, giảm khá mạnh so với bình quân thực tế 2,34% của tháng 5.

Trong hoạt động của các NHTM, trong tháng 6 và xu hướng thời gian tới, cầu trái phiếu Chính phủ tăng lên khi lượng đáo hạn lớn và các nhà băng tăng đầu tư để cân đối lại danh mục.

Dự báo các chỉ tiêu trong 3 tháng tới, đặc biệt ở kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm  
Dự báo các chỉ tiêu trong 3 tháng tới, đặc biệt ở kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm  

Như đề cập ở trên, sự lạc quan của giới phân tích qua dự báo của VIRA không chỉ có trong tháng này, mà còn thể hiện ở định hình cho 3 tháng tới.

Cụ thể, dự báo chung của VIRA về lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, về tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng và đặc biệt về lãi suất vẫn tiếp tục khá ổn định cho tới tháng 8/2021.

Trong đó, trước hai dòng chảy tạo nguồn vốn lớn nói trên, riêng chỉ tiêu lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ giảm khá mạnh so với hiện nay, bình quân dự báo cho ba tháng tới chỉ ở mức 1,18%/năm.