Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách, hiện đại hóa hải quan

Nguyễn Trung

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách, hiện đại hóa hải quan, ngành Hải quan đã tạo dấu ấn và ghi điểm đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân do mang lại nhiều lợi ích thiết thực khi thực hiện thủ tục hải quan.

Tính đến ngày 12/12/2022, Tổng cục Hải quan đã kết nối hệ thống với 46 ngân hàng thương mại.
Tính đến ngày 12/12/2022, Tổng cục Hải quan đã kết nối hệ thống với 46 ngân hàng thương mại.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt trên 700 tỷ USD. Mỗi năm, ngành Hải quan thực hiện hơn 15 triệu giao dịch của hơn 90.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Số thu ngân sách bình quân tăng trên 10%/năm…

Những con số “biết nói” trên đạt được là do ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thông quan hàng hóa. Nhờ đó, việc thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Điển hình như: Tính đến ngày 12/12/2022, Tổng cục Hải quan đã kết nối hệ thống với 46 ngân hàng thương mại, từ đó cho phép doanh nghiệp được nộp thuế qua nhiều phương thức điện tử và thực hiện 24/7.

Hiện tại, doanh nghiệp có thể khai báo hải quan mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có máy tính kết nối internet. Với phương thức giao dịch này, các doanh nghiệp cho rằng, đây là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp giảm được thời gian, chi phí trong thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, không bị đứt gãy.

Bên cạnh việc thực hiện khai báo hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực toàn Ngành để hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan, thực hiện hải quan số.

Đặc biệt, nhằm thực hiện tốt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Trong thời gian tới, để thực hiện chuyển đổi số thành công, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; phát triển các nền tảng về công nghệ thông tin; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực...

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; giải pháp về mặt tài chính.