Vai trò của kinh tế nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Đoàn Thị Trang - Học viện Phụ nữ Việt Nam

Kinh tế nông thôn là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông - lâm - ngư nghiệp, cùng với các ngành tiểu - thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ… có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng và lãnh thổ cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Cùng với sự phát triển của đất nước trong hơn 35 năm đổi mới, kinh tế nông thôn Việt Nam đã và đang góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vai trò của kinh tế nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Đảm bảo lương thực cho người dân là vấn đề trước mắt và lâu dài đối với mỗi quốc gia trong mọi thời đại. Hiện nay, dù thế giới đã đạt được những thành tựu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế song nhiều quốc gia vẫn đang phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực - nhân tố hàng đầu đảm bảo ổn định và phát triển xã hội. Thực tiễn lịch sử các nước trên thế giới đã chứng minh, chỉ có thể phát triển kinh tế nhanh chóng thì an ninh lương thực mới được đảm bảo.

Xã hội càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có nông nghiệp - ngành sản xuất vật chất cơ bản, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở hầu hết cả nước, trong đó có Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp cung cấp cho con người những sản phẩm tối cần thiết đó là lương thực, thực phẩm - yếu tố đầu tiên, có tính chất quyết định sự tồn tại phát triển của con người và phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia.

Kinh tế nông thôn phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả; thúc đẩy quá trình phân công và phân công lại lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và tích luỹ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho số đông dân cư, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, kinh tế nông thôn đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam vượt lên sau thời kỳ suy giảm kinh tế.

Thực tế cho thấy, trước tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, không ít mặt hàng của Việt Nam đã giảm tỷ trọng xuất khẩu; nhưng tỷ trọng xuất khẩu của nhóm mặt hàng nông, thủy, hải sản vẫn tăng và giữ vai trò chủ lực, nông nghiệp còn là lĩnh vực thu hút nhiều lao động, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao.

Phát triển kinh tế nông thôn làm chuyển biến nông thôn trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và thể chế; quan tâm toàn diện đến phúc lợi của người dân, bao gồm các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Kinh tế nông thôn phát triển tạo điều kiện cơ bản, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đại bộ phận người dân nông thôn, chính sách an sinh xã hội được quan tâm phát triển, góp phần ổn định về chính trị, thực hiện nghiêm kỷ cương, pháp luật; đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và thực hiện nếp sống văn minh.

Góp phần thực hiện có hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Việt Nam là nước nông nghiệp, trải qua nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, do đó đang tồn tại sự chênh lệch khá xa về kinh tế, văn hoá giữa thành thị và nông thôn, sự lạc hậu của nông nghiệp, nông thôn đã làm tăng thêm làn sóng di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, tạo nên hiện tượng quá tải ở thành thị do đó tiềm ẩn nguy cơ sự bất ổn định. Do vậy, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần coi trọng đầu tư cho kinh tế nông thôn.

Kinh nghiệm từ các nước thành công trong công nghiệp hoá ưu tiên nông nghiệp cho thấy, nếu mức độ chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn càng thấp thì sức mua của xã hội càng tăng nhanh và ổn định. Những nước có sự chênh lệch giàu nghèo tăng lên quá mức, nông thôn lạc hậu so với thành thị thì sức mua của nông thôn thấp, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như tỷ lệ đói nghèo cao, dân cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, môi trường xuống cấp, thất nghiệp, lạm phát gia tăng và từ đó làm chậm quá trình công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Kinh tế nông thôn nước ta hiện vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế nông thôn trước hết là phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh mẽ và ổn định, tạo cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhất là cho lĩnh vực công nghiệp một cơ sở vững chắc về nhiều phương diện, trước hết là lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, nhân công, vốn và thị trường. Với việc phát triển đồng bộ các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, kinh tế nông thôn sẽ tạo ra một khối lượng sản phẩm với giá trị ngày càng tăng, điều này góp phần giải quyết vấn đề vốn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

Bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái là một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn, là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho các ngành nghề trong kinh tế nông thôn phát triển nhanh, ổn định ở cả hiện tại và tương lai. Môi trường sinh thái được bảo vệ còn là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nông thôn. Đồng thời, môi trường không chỉ là nguồn lực mà còn là yếu tố liên quan đến bản thân quá trình phát triển nông thôn và đến môi trường sống của con người. Khu vực nông thôn chiếm đại đa số nguồn tài nguyên, đất đai, khoáng sản, động thực vật, rừng, biển nên sự phát triển kinh tế nông thôn có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khu vực nông thôn đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.

Phát triển kinh tế nông thôn góp phần gìn giữ môi trường sinh thái của con người, tạo sự gắn bó hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học giúp duy trì cân bằng sinh thái, nhờ đó làm chậm quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, cần áp dụng những giải pháp thích hợp để duy trì và tạo nên sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái; phát triển kinh tế nông thôn đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững môi trường.

Tạo môi trường sống xanh, lành mạnh và thân thiện với người dân nông thôn; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn cho người dân.

Củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế
Hiện nay, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được xác định trước hết là bảo đảm hoà bình và ổn định để phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đánh bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn không để xảy ra bạo loạn lật đổ, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chuẩn bị mọi mặt của đất nước, xây dựng tiềm lực và thế trận, nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, đánh thắng mọi thế lực thù địch. Sức mạnh của quốc phòng - an ninh không chỉ là sức mạnh quân sự mà bao gồm cả sức mạnh phi quân sự trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, khoa học kỹ thuật, ngoại giao; là sức mạnh tổng hợp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kinh tế nông thôn góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở từng địa phương, cơ sở. Khi khu vực nông thôn có kinh tế và văn hóa phát triển, đời sống của người dân được đảm bảo về vật chất và tinh thần sẽ là một nhân tố quyết định củng cố vững chắc thế trận lòng dân, thắt chặt mối liên minh công - nông, đảm bảo cho nhân dân có thể đánh bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, cũng như tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh đủ sức đánh bại mọi âm mưu xâm lược vũ trang của kẻ thù dưới mọi hình thức.

Phát triển kinh tế nông thôn cần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế nông thôn đi đôi với tích cực xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cao một bước đời sống nông dân tạo ra cơ sở vật chất quan trọng cho khu vực phòng thủ, huy động được sức người, sức của tại chỗ cho việc tăng cường quốc phòng - an ninh, nhất là thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống.

Tuy nhiên, không phải kinh tế nông thôn mạnh là có quốc phòng - an ninh mạnh, mà phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ một cách hợp lý, hài hoà giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh quốc gia, sao cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, gắn kết hữu cơ với các hoạt động quốc phòng - an ninh để tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia và đạt hiệu quả cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn góp phần tạo ra tiền đề vật chất quan trọng cho việc tạo ra những nhân tố tích cực cho quá trình hội nhập quốc tế. Vì nông thôn là nơi cung cấp lực lượng lao động chủ yếu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời, nông thôn là nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho xuất khẩu và phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Nếu như trước kia, nông nghiệp Việt Nam phát triển nhỏ lẻ, manh mún mang tính chất tự cấp, tự túc, thì ngày nay, nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp nhiều mặt hàng có giá trị cho thị trường thế giới.

Nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung được hình thành, thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng; cà phê Tây Nguyên; cao su ở miền Đông Nam Bộ; chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc… đã nổi tiếng, được nhiều quốc gia ưa chuộng. Kinh tế nông thôn phát triển sẽ là tiền đề và là điều kiện để đẩy nhanh lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Trong quá trình hội nhập, mục tiêu đặt ra là phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch.Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trình độ dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Kết luận

Kinh tế nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện và vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (2022), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội;
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009), Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011- 2020, Hà Nội;
  3. Chu Văn Cấp, Phạm Quang Phan và Trần Bình Trọng (2006), Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin (Dùng cho khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng), NXB Giáo dục, Hà Nội;
  4. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-kinh-te-nong-thon-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi/794719.vnp.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2022