Vàng lao dốc, liệu có ngán vàng?
Giá vàng liên tục sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đặt ra câu hỏi: Liệu vàng có còn được lựa chọn là kênh đầu tư?
Đầu tuần này, tin tức tiêu cực dồn dập tới khiến giá vàng thế giới tiếp tục "rớt thê thảm" ngay khi mở cửa. Giá vàng mở cửa ở mức 1.133 USD/Oz rồi lập tức lao dốc xuống mức giá 1.071 USD/Oz. Đây là mức thấp chưa từng thấy trong 5 năm qua. Mặc dù ngay lập tức giá hồi phục trở lại và hiện xoay quanh mức 1.107 Usd/Oz, nhưng theo giới phân tích khả năng giảm tiếp là khá cao.
Giới phân tích nhận định: Nguyên nhân vàng giảm giá là do đồng USD tăng giá trước sự suy yếu của đồng Euro vì Hy Lạp lâm vào tình trạng phá sản. Kinh tế Trung Quốc bất ổn do ảnh hưởng xấu từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ngoài ra khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ FEB tăng lãi suất trong tháng 9 tới tiếp tục kéo niềm tin của các nhà đầu tư vào vàng đi xuống. Giá vàng đã giảm sâu, mất tới gần 60 USD/Oz và dường như chưa chịu ngừng lại đà giảm. Với giá ở mức thấp này có thể hấp dẫn người mua vào với tâm lý giá rẻ và đây có thể có cơ hội cho vàng hồi phục chút ít, phanh lại đà giảm của giá vàng hiện nay.
Không nằm ngoài xu hướng giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục "rơi tự do". Chỉ riêng ngày 16-7-2015, vàng trong nước đã giảm xuống dưới mức 33 triệu đồng/lượng, mất gần 1 triệu đồng mỗi lượng với hơn 50 lần điều chỉnh giá trong ngày. Đây là sự biến động mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, kể từ khi chạm đỉnh gần 50 triệu đồng/lượng vào tháng 11-2011. Đầu tuần này, giá vàng trong nước giao dịch mua vào– bán ra ở mức 32,6 – 33 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên cuối tuần trước. Chênh lệch mua vào và bán ra được kéo dãn tới 400.000/lượng nhằm giảm rủi ro trong thời điểm giá biến động bất thường. Giá trong nước đang cao hơn so với giá thế giới khoảng 3,8 triệu đồng/lượng.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tâm lý lo lắng của người dân và giá vàng thế giới giảm mạnh khiến vàng rớt giá mạnh. Dân càng bán thì giá DN kinh doanh vàng mua vào càng bị đẩy xuống thấp nhằm hạn chế rủi ro. Nới rộng chênh lệch giá mua vào và bán ra cũng là một biện pháp được các DN kinh doanh vàng mạnh tay áp dụng.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: Giá vàng trong nước chịu sức ép giảm giá mạnh của giá vàng thế giới. Việc giá vàng giảm có vẻ hơi đột ngột nhưng giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Nhiều người cho rằng người dân không mặn mà với vàng nữa nhưng theo tôi không thể nói như vậy. Vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn trước các biến động của tình hình kinh tế và tâm lý "chuộng" vàng không thể mất được. Với người Việt Nam, vàng là một kênh đầu tư chứ không thể chỉ coi là trang sức.
Chia sẻ với báo giới, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: Đầu tư vàng lúc này là không hiệu quả nên mỗi người phải thật sự thận trọng. Nếu người mua không có trình độ và sự hiểu biết về lĩnh vực tài chính thì không nên mạo hiểm đầu tư mua- bán trong thời điểm bất ổn này. Với chính sách quản lý vàng hiện tại của Nhà nước, đầu tư làm giàu bằng vàng khó có khả năng thu lời so với các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản.
Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đánh giá: Trong suốt 2014 và nửa đầu 2015 giá vàng rất ít biến động. Tuy nhiên 10 ngày qua, vàng đã trải qua những đợt biến động đáng chú ý trên thị trường. Nếu trong bối cảnh có biến động kinh tế vĩ mô, như lạm phát cao, vàng sẽ là hầm trú ẩn an toàn. Nhưng với vai trò công cụ đầu tư, hay đầu cơ, rõ ràng vàng còn hấp dẫn hay không chính là do các yếu tố liên quan đến chính sách, chẳng hạn cung cầu của vàng, mối tương quan giữa vàng và kênh đầu tư khác. Nhìn chung về dài hạn, vàng vẫn có sự hấp dẫn nhất định của nó.