Vì sao chưa có nhiều doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán?
Sau gần 20 năm cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp (DN) FDI niêm yết trên sàn chưa nhiều và kết quả sản xuất kinh doanh của các DN này chưa cao, dù đa phần các DN có lãi.
Chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết
Sau gần 35 năm Việt Nam thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài kể từ thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành (1987), đã có nhiều DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Ngày 15/4/2003, sau 15 năm kể từ ngày mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, đồng thời cho phép các công ty cổ phần này được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Về thực trạng niêm yết trên TTCK của các DN FDI, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2003 - 2008 đã có 10 doanh nghiệp FDI được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần và được niêm yết trên TTCK. Cụ thể, Công ty Cổ phần (CTCP) Dây và Cáp điện Taya Việt Nam niêm yết năm 2005, CTCP Gạch men Chang Yih (2006), CTCP Thực phẩm Quốc tế (2006), CTCP Full Power (2006), CTCP Công nghiệp Tung Kuang (2006), CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (2006), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (2007), CTCP Mirae (2008), CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (2008), CTCP Everpia (2010). Sau giai đoạn này có thêm 1 doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam (2017), DN này được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Như vậy, kể từ khi có chủ trương cho phép các công ty cổ phần này được niêm yết trên TTCK Việt Nam, đã có 11 doanh nghiệp FDI chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến nay chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, 3 doanh nghiệp FDI hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (trong đó có 2 công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UpCom).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, phần lớn doanh nghiệp FDI sau khi niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK hoạt động có lãi, nhưng có những doanh nghiệp hoạt động chưa được hiệu quả và kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cung cấp thì mức lợi nhuận của khối DN FDI trên sàn vẫn hết sức khiêm tốn. Theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiện đang niêm yết trên sàn HoSE, HNX và trên sàn UpCom, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK giai đoạn 2016-2020, CTCP Everpia (mã chứng khoán EVE) niêm yết trên HoSE có lợi nhuận sau thuế năm 2016 là gần 90 triệu đồng, con số này của năm 2020 là 42 triệu đồng. CTCP Mirae lỗ 2 triệu đồng năm 2016 và lãi 182 nghìn năm 2020, CTCP Gạch men Chang Yih (CYC) liên tục lỗ từ năm 2016 đến nay. Trừ năm 2018 lãi 18 triệu đồng, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) cũng liên tục báo lỗ từ các năm 2016 đến 2020...
Doanh nghiệp FDI niêm yết đa phần quy mô nhỏ
Cũng theo Ủy ban Chứng khoán, năm 2020, đa số các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp FDI có lợi nhuận sau thuế giảm hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ, riêng chỉ có CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV) và CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU) có lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 18% và 56%. Trong giai đoạn 2016-2019, 7/10 doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch thường xuyên có lãi qua các năm, 3/10 doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh thua lỗ (CYC, RIC, TCR). Trong các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, CTCP Thực phẩm Quốc tế (IFS) là công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bền vững qua các năm, tăng hơn 5 lần từ năm 2016 đến 2019. Cụ thể, cổ phiếu IFS lãi 143 triệu đồng năm 2016, lãi 223 triệu đồng năm 2019 và lãi 155 triệu đồng năm 2020. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh có lãi vẫn lớn hơn so với số lượng FDI kết quả kinh doanh thua lỗ.
Cũng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường, chỉ khoảng 0,3%. Như vậy, quy mô của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch là nhỏ so với quy mô của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, vẫn chưa xuất hiện tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại 8/10 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch có xu hướng tăng sau khi lên sàn và chỉ có 2/10 doanh nghiệp FDI có tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm.
Một trong những lí do vì sao chưa có nhiều DN FDI niêm yết trên sàn chứng khoán, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), do đa phần các DN FDI (công ty mẹ) đã niêm yết tại nước sở tại, là những thị trường tài chính phát triển, đặc biệt là đối với những DN, tập đoàn lớn. Cùng với đó, các DN FDI chưa đáp ứng đủ các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các DN FDI đang niêm yết trên sàn chứng khoán Vệt Nam hiện nay đa phần là các DN nhỏ, do các cá nhân định cư lâu dài ở Việt Nam lập nên. Để thúc đẩy nhiều hơn các DN FDI lớn lên sàn, Việt Nam cần tiếp tục cải tổ thị trường tài chính.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, hầu hết DN FDI đang niêm yết là theo đề án thử nghiệm triển khai từ năm 2003, nhưng thực tế từ thời điểm đó đến nay có thêm rất ít DN đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam do vướng các quy định liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư nước ngoài với những vướng mắc liên quan đến cam kết thời hạn đầu tư, câu chuyện cổ đông...