VSD sẵn sàng triển khai hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh
Theo “Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh sẽ tổ chức thực hiện theo mô hình Đối tác trung tâm (CCP) qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Nghị định 42/2015/NĐ-CP và Thông tư 11/2016/TT-BTC quy định cụ thể các nguyên tắc về hoạt động Bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh cùng cơ chế quản lý rủi ro mà VSD áp dụng để phòng ngừa và xử lý các rủi ro này.
Để đảm bảo cho việc triển khai hoạt động Bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh an toàn và thông suốt, VSD đã phối hợp cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) (đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh) hoàn tất công tác chuẩn bị xây dựng hệ thống kỹ thuật cũng như các quy chế hướng dẫn nghiệp vụ.
Bài viết dưới đây sẽ góp phần giúp cho thành viên thị trường và công chúng đầu tư hiểu rõ hơn về hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP mà VSD sẽ triển khai trong thời gian tới, các loại rủi ro mà CCP phải đối mặt cũng như các phương pháp phòng ngừa rủi ro sẽ được thực hiện.
Thanh toán theo mô hình ccp là như thế nào?
Thanh toán theo mô hình CCP là gì?
Phương thức bù trừ, thanh toán theo mô hình CCP là phương thức phổ biến được nhiều thị trường chứng khoán các nước áp dụng do sự ưu việt trong quản lý rủi ro của mô hình này.
Đặc biệt trên thị trường phái sinh với đặc tính vốn có là sử dụng đòn bẩy tài chính cao, quy mô hợp đồng lớn, thời gian thanh toán kéo dài cùng với nguy cơ đối tác mất khả năng thanh toán cao thì mô hình này càng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng do được trang bị một hệ thống quản lý rủi ro đa tầng, đa lớp.
Thông qua cơ chế thanh toán đối tác trung tâm, các giao dịch gốc giữa nhà đầu tư trên thị trường sẽ được thế vị (novated) thành giao dịch giữa bên mua và CCP, giữa CCP và bên bán, như vậy CCP trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán.
Với cơ chế này, CCP đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình.
Khái quát các chức năng chính của CCP bao gồm:
- Bù trừ ròng các nghĩa vụ thanh toán: Toàn bộ giao dịch chứng khoán được tập hợp, tính toán nghĩa vụ thanh toán và bù trừ đa phương để xác định nghĩa vụ thanh toán ròng theo từng thành viên bù trừ (TVBT). Chức năng này làm giảm khối lượng và giá trị giao dịch cần thanh toán của các bên tham gia giao dịch, góp phần giảm chi phí và rủi ro cho thị trường.
- Bảo lãnh thanh toán: CCP có chức năng đảm bảo việc thanh toán giao dịch, cụ thể là quản lý, kiểm soát hoạt động thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giao dịch trong trường hợp TVBT mất khả năng thanh toán.
- Quản lý rủi ro: Để thực hiện chức năng bảo lãnh thanh toán nêu trên, CCP sẽ phải xây dựng và áp dụng các biện pháp, cơ chế, quy trình phòng ngừa rủi ro toàn diện, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các rủi ro đối tác.
Với vai trò nêu trên, CCP tập trung các rủi ro mà nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tới vận hành hoạt động thanh toán cho toàn thị trường, đòi hỏi việc thiết lập cơ chế quản lý rủi ro cho CCP cần được đặt lên hàng đầu. Năm 2004, Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã đưa ra Báo cáo khuyến nghị gồm 14 điểm đối với các rủi ro mà CCP phải đối mặt.
Theo đó, các rủi ro đối với một CCP phụ thuộc vào các điều khoản ký kết giữa CCP và thành viên của mình, cũng như mức độ hiệu quả khi áp dụng kiểm soát hoạt động của thành viên.
Đó là rủi ro mà các thành viên không thanh toán nghĩa vụ đúng thời hạn quy định, hay rủi ro từ ngân hàng thanh toán. Ngoài ra, còn phải kể đến các rủi ro khác phát sinh từ tài sản ký quỹ (rủi ro lưu ký), rủi ro từ hoạt động đầu tư của CCP (rủi ro đầu tư), hay các thiếu hụt trong hệ thống xử lý và kiểm soát (rủi ro hoạt động).
CCP cũng có thể đối diện với rủi ro do hệ thống pháp lý không hỗ trợ các quy định và quy trình xử lý của CCP, đặc biệt trong trường hợp thành viên mất khả năng thanh toán (rủi ro pháp lý).
Từ Báo cáo khuyến nghị của IOSCO và BIS, cũng như quy định pháp lý và hoạt động triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam, có thể nhận diện các rủi ro chính mà VSD đối mặt, gồm:
- Rủi ro đối tác
Rủi ro CCP phải đối mặt trong trường hợp thành viên của CCP mất khả năng thanh toán gồm: (i) rủi ro chi phí thay thế; (ii) rủi ro thanh toán.
- Rủi ro thanh khoản
Tài sản đóng góp ký quỹ, Quỹ bù trừ có thể bằng chứng khoán, do vậy, tính thanh khoản của chứng khoán có thể ảnh hưởng đến khi CCP thanh lý các tài sản này để bảo lãnh thanh toán.
- Rủi ro ngân hàng thanh toán
Ngân hàng thanh toán được sử dụng để thanh toán tiền giao dịch chứng khoán có thể gặp các trục trặc về hệ thống, tài chính dẫn tới rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản cho CCP, khiến cho khâu thanh toán bị ngừng trệ.
- Rủi ro hoạt động
Rủi ro hoạt động là những tổn thất không lường trước được phát sinh từ những khiếm khuyết trong hệ thống và quản lý – như lỗi do con người, trục trặc trong quản lý hoặc ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài như thảm họa thiên nhiên, khủng bố… Đặc biệt, sự đổ vỡ của hệ thống công nghệ thông tin sẽ ảnh hưởng tới khả năng giám sát và quản lý rủi ro cũng như hoàn tất nghiệp vụ thanh toán của CCP.
CƠ CHẾ QUẢN LÝ RỦI RO TẠI VSD
Để duy trì hoạt động một cách an toàn, hiệu quả, rõ ràng và minh bạch, với vai trò CCP, VSD đã thiết lập cơ chế quản lý rủi ro toàn diện, chi tiết theo các nhóm rủi ro đã nhận diện, nhằm tối thiểu hóa các rủi ro này, thông qua việc phát triển các hệ thống kiểm soát và thực hiện đúng quy trình, cũng như có phương án xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và kế hoạch đảm bảo hoạt động nghiệp vụ diễn ra liên tục.
Quản lý rủi ro đối tác
Rủi ro đối tác là rủi ro có tác động trực tiếp tới hoạt động thanh toán với khả năng phát sinh cao, do vậy, VSD đã đưa ra rất nhiều phương thức nhằm hạn chế rủi ro cũng như nhằm đảm bảo khả năng ứng phó khi đã xảy ra. Có thể chia ra thành 04 nhóm công cụ quản lý rủi ro như mô hình dưới đây.
TVBT
TVBT của VSD gồm 02 loại: TVBT trực tiếp và TVBT chung.
- TVBT chung (GCM): được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của mình, các khách hàng môi giới của mình và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho các thành viên giao dịch không phải là TVBT và khách hàng của thành viên giao dịch đó.
- TVBT trực tiếp (DCM): chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của mình và các khách hàng môi giới của mình.
Theo phạm vi cung cấp dịch vụ với mức độ rủi ro thanh toán khác nhau, GCM sẽ cần đáp ứng các tiêu chí tài chính cao hơn so với DCM do phải đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho cả các thành viên không bù trừ và khách hàng của thành viên không bù trừ.
Cụ thể, đối với DCM, ngân hàng thương mại (NHTM) cần có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên, công ty chứng khoán (CTCK) từ 900 tỷ đồng trở lên, còn với GCM, yêu cầu vốn của NHTM là từ 7.000 tỷ đồng, CTCK là 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh yêu cầu khác biệt về vốn, GCM cũng sẽ thực hiện đóng góp Quỹ bù trừ với mức tối thiểu ban đầu cao hơn DCM.
Giám sát tiêu chí, hoạt động nghiệp vụ
Không chỉ đáp ứng các tiêu chí ban đầu chấp thuận làm TVBT, trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, các tổ chức làm TVBT vẫn chịu giám sát nhằm đảm bảo duy trì các tiêu chí thành viên.
Ngoài ra, VSD cũng thường xuyên giám sát tính tuân thủ các quy trình, quy định nghiệp vụ của TVBT nhằm giảm thiểu rủi ro đối tác. Có 04 hình thức xử lý vi phạm được VSD áp dụng tùy vào mức độ vi phạm hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh, gồm:
- Công văn nhắc nhở;
- Khiển trách;
- Tạm thời đình chỉ hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;
- Chấm dứt tư cách TVBT.
Ký quỹ
Công cụ quản lý rủi ro đối tác tiếp theo được thiết lập liên quan tới hoạt động ký quỹ. Đây là công cụ quản lý rủi ro quan trọng hàng đầu của CCP, theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp đầy đủ ký quỹ ban đầu cho toàn bộ vị thế dự kiến mở cho thành viên bù trừ trước khi thực hiện giao dịch, ngoại trừ các giao dịch đối ứng để đóng vị thế.
Khoản ký quỹ ban đầu được tính toán dựa trên tỷ lệ ký quỹ do TVBT yêu cầu nhưng không thấp hơn tỷ lệ theo quy định của VSD. Hiện, VSD sử dụng phương pháp định lượng rủi ro VaR (Value at risk) để xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho HĐTL chỉ số và HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP), dựa trên các yếu tố:
- Biến động giá giao dịch của HĐTL hoặc chỉ số cơ sở (chỉ áp dụng đối với HĐTL chỉ số), hoặc giá TPCP/chỉ số TPCP (chỉ áp dụng đối với HĐTL TPCP) trong kỳ quan sát tối thiểu là chín mươi (90) ngày giao dịch;
- Thời điểm đáo hạn của HĐTL;
- Và các yếu tố khác VSD xét thấy cần thiết.
Ngoài khoản ký quỹ ban đầu, ký quỹ duy trì yêu cầu đối với danh mục đầu tư trên mỗi tài khoản giao dịch còn bao gồm các thành phần là ký quỹ biến đổi (Variation Margin - VM) và ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL (Delivery Margin – DM, áp dụng đối với hợp đồng có phương thức thanh toán chuyển giao vật chất). Các hình thức ký quỹ này nhằm đảm bảo hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán trong tương lai của nhà đầu tư do nắm giữ chứng khoán phái sinh.
Việc nộp ký quỹ được thực hiện theo mô hình ký quỹ trước, nghĩa là, giá trị tài sản ký quỹ tại thời điểm vị thế chứng khoán phái sinh được ghi nhận trên tài khoản giao dịch phải đảm bảo giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu cho toàn danh mục đầu tư.
VSD giám sát việc đảm bảo tài sản ký quỹ chi tiết tới từng tài khoản của nhà đầu tư thông qua tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ. Khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt gần tới 100%, TVBT sẽ nhận được cảnh báo để áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với giao dịch của nhà đầu tư.
Trường hợp tỷ lệ này vượt ngưỡng 100%, VSD sẽ thông báo để Sở giao dịch tạm ngừng giao dịch của tài khoản cho tới khi tài khoản được bổ sung ký quỹ hoặc đóng bớt vị thế để tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ xuống dưới ngưỡng vi phạm.
Đánh giá nghĩa vụ đóng góp Quỹ bù trừ theo Stress Test
Quỹ bù trừ hình thành từ các khoản đóng góp của TVBT, như một dạng tài sản thế chấp, để bồi thường thiệt hại và hoàn tất việc thực hiện hợp đồng đứng tên TVBT trong trường hợp TVBT mất khả năng thanh toán.
Sau khi được chấp thuận làm TVBT, tổ chức đăng ký cần nộp khoản đóng góp ban đầu tối thiểu theo quy định của VSD.
Trong quá trình hoạt động, quy mô Quỹ bù trừ sẽ được định kỳ đánh giá lại theo phương pháp kiểm tra khả năng chịu rủi ro (Stress Test). Theo đó, dựa trên dữ liệu giá, số vị thế nắm giữ trong quá khứ, VSD sử dụng các công thức xác suất thống kê nhằm ước lượng số thua lỗ tối đa có thể xảy ra (PML - Probable maximum loss) của TVBT với mức biến động giá cực đại có thể xảy ra.
Dựa trên mức giá giả định trong kịch bản Stress test để xác lập Quy mô Quỹ bù trừ nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho VSD trong trường hợp có 02 TVBT có mức lỗ tiềm tàng lớn nhất (trong thời gian đánh giá) đồng thời mất khả năng thanh toán.
Giới hạn vị thế
(Position Limit – PL)
Một công cụ kiểm soát giao dịch, phòng ngừa rủi ro đối tác cho hoạt động thanh toán hiệu quả khác phải kể đến là giới hạn vị thế. Đây là số lượng tối đa các HĐTL có cùng tài sản cơ sở nhưng khác tháng đáo hạn mà nhà đầu tư được nắm giữ trên từng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh.
VSD áp dụng các mức PL khác nhau theo nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như theo loại sản phẩm phái sinh.
Tương tự như tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, các tài khoản sẽ được cảnh báo khi số lượng hợp đồng nắm giữ đạt xấp xỉ ngưỡng PL quy định và bị tạm ngưng giao dịch nếu vượt ngưỡng này.
Xử lý mất khả năng thanh toán
Không chỉ sử dụng ký quỹ, Quỹ bù trừ là nguồn tài chính đảm bảo thanh toán, VSD còn có cơ chế sử dụng các nguồn tài chính khác từ việc thiết lập quỹ dự phòng rủi ro thanh toán đến các nguồn hỗ trợ khác nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh toán diễn ra được suôn sẻ.
Bên cạnh đó, nếu xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán, phá sản của TVBT, VSD sẽ áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp xử lý sau:
- Phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán hạn chế hoặc không cho phép mở vị thế mới đứng tên thành viên này, ngoại trừ các giao dịch đối ứng;
- Yêu cầu thành viên thanh lý vị thế của mình hoặc chỉ định TVBT khác đặt lệnh mở vị thế đối ứng để thanh lý vị thế của TVBT mất khả năng thanh toán;
- Xử lý vi phạm TVBT mất khả năng thanh toán.
Quản lý rủi ro thanh khoản
Như đã đề cập ở phần nhận diện rủi ro, tính thanh khoản của chứng khoán ký quỹ, đóng góp Quỹ bù trừ có thể ảnh hưởng đến khi CCP thanh lý các tài sản này để bảo lãnh thanh toán. Để giải quyết vấn đề này, VSD đã xây dựng các tiêu chí để lựa chọn danh mục chứng khoán đủ điều kiện, cụ thể:
- Định kỳ xác định chứng khoán đủ điều kiện ký quỹ, đóng góp Quỹ bù trừ dựa trên tính thanh khoản.
- Loại khỏi danh mục ngay các chứng khoán bị cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch…
Các chứng khoán được sử dụng ký quỹ được áp dụng tỷ lệ chiết khấu và cập nhật giá đóng cửa hàng ngày khi thực hiện định giá giá trị tài sản ký quỹ. Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro thanh khoản, VSD cũng đặt ra mức ký quỹ, đóng góp Quỹ bù trừ tối thiểu (ví dụ 80%) bằng tiền để có thể sử dụng các tài sản này ngay khi phát sinh yêu cầu hỗ trợ thanh toán.
Quản lý rủi ro ngân hàng thanh toán
Ngân hàng thanh toán cũng là một kênh trọng yếu trong hoạt động thanh toán, thực hiện các nghiệp vụ thanh toán tiền theo chỉ thị từ VSD cũng như quản lý luồng tiền liên quan tới hoạt động ký quỹ, đóng góp, sử dụng, hoàn trả Quỹ bù trừ.
Để quản lý rủi ro từ ngân hàng thanh toán, VSD đã thiết lập cơ chế phối hợp với ngân hàng thanh toán, trong đó có nêu rõ cơ chế dự phòng, phương án xử lý đối với rủi ro của hệ thống thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán liên quan tới các nghiệp vụ ký quỹ, thanh toán, quản lý Quỹ bù trừ, phương thức đối chiếu dữ liệu, hệ thống thay thế, phương án xử lý các lỗi con người, hệ thống phát sinh…
Rủi ro hoạt động
VSD đã xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ và quy trình giám sát nội bộ để đảm bảo việc tuân thủ, giảm thiểu các lỗi do con người gây ra.
Về rủi ro hệ thống, VSD cũng thiết lập cơ chế dự phòng rủi ro chặt chẽ từ đường truyền, máy chủ dự phòng cho đến dự phòng về dữ liệu.
Cụ thể, mỗi kết nối từ VSD tới các tổ chức khác đều có hai đường truyền: 01 đường truyền chính (MPLS tốc độ 512Kbps) và 01 đường truyền dự phòng (MegaWan tốc độ 256Kbps). Trong trường hợp đường truyền chính có sự cố thì sẽ chuyển sang đường truyền phụ để đảm bảo kết nối liên tục.
Các hệ thống tại VSD (bao gồm cả hệ thống phái sinh) đều được thiết kế theo mô hình đa tầng ứng dụng. Tại mỗi tầng ứng dụng đều có cụm máy chủ chính và cụm máy chủ dự phòng, điều này sẽ đảm bảo vận hành liên tục trong trường hợp cụm máy chủ chính gặp sự cố.
Trung tâm dữ liệu chính được VSD đặt tại Trụ sở chính VSD (Hà Nội) và trung tâm dữ liệu dự phòng được đặt tại Chi nhánh VSD (TP. Hồ Chí Minh). Trong trường hợp có sự cố tại trung tâm dữ liệu chính thì sẽ chuyển sang trung tâm dự phòng để đảm bảo vận hành liên tục của các hệ thống nói chung và hệ thống phái sinh nói riêng.
Có thể nói, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh, đến nay các cơ chế phòng ngừa và xử lý rủi ro của VSD cũng đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc triển khai TTCK phái sinh trong thời gian tới diễn ra an toàn, thông suốt.