Vượt thu ngân sách góp phần gia tăng "sức khỏe" tài khóa và ứng phó với các cú sốc bên ngoài

Gia Hân (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc thu ngân sách vượt dự toán năm 2022 được coi là một điểm sáng, góp phần quan trọng gia tăng "sức khỏe" tài khóa của nền kinh tế, tạo dư địa và nguồn lực để tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, ứng phó chủ động hơn với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài.   

GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Tính đến nay, ngành Tài chính đã vượt thu ngân sách khoảng 18% dự toán, ông đánh giá thế nào về kết quả khả quan này?

GS.TS. Trần Thọ Đạt:  Đảm bảo các cân đối vĩ mô, trong đó có cân đối thu–chi ngân sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điều kiện và nguồn lực tiền đề quan trọng thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Đất nước.

Kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục khó khăn và có thể có những biến động bất lợi không dự đoán được trước, do vậy đảm bảo nguồn thu ngân sách sẽ tạo một "bộ đệm" quan trọng cho nền kinh tế nhằm ứng phó với các cú sốc bất ngờ từ bên ngoài gây tác động bất lợi.

Chính sách tài khóa trong 2 năm vừa qua được coi là trụ cột quan trọng trong việc kiểm soát mục tiêu lạm phát dưới 4%. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính thu ngân sách nhà nước vượt dự toán khoảng 18% của năm 2022 được coi là một điểm sáng, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thu, góp phần quan trọng gia tăng "sức khỏe" tài khóa của nền kinh tế, tạo dư địa và nguồn lực để tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, ứng phó chủ động hơn với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài.   

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc được coi là điểm sáng của ngành Tài chính và là một trong những yếu tố giúp vượt thu ngân sách nhà nước. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào, thưa ông?

GS.TS. Trần Thọ Đạt: Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong số các nguồn thu ngân sách có gia tăng mạnh trong năm nay, có đóng góp của các khoản thu tăng khá bao gồm thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất, đặc biệt là các khoản thu từ thuế chuyển nhượng các doanh nghiệp lớn, thu từ tiền sử dụng đất một lần của các dự án lớn.

Trong số các yếu tố đóng góp vượt thu ngân sách nhà nước, việc tăng cường quản lý thu thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để thu đúng và thu đủ, rà soát và truy vết thất thu, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, khai thác tăng thu như từ hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử… giữ vị trí quan trọng.

Tôi cho rằng, việc thúc đẩy hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động (eTax mobile)... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế đã góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa hoạt động thu, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát và gian lận.

Phóng viên: Năm 2023, trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức, vậy ông có khuyến nghị gì đối với Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2023, thưa ông?

GS.TS. Trần Thọ Đạt: Năm 2023 được dự đoán là năm kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nguy cơ suy thoái, áp lực lạm phát vẫn cao, xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn khó lường,… tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến đà phục hồi và tăng trưởng của một nền kinh tế có độ mở khá lớn như nước ta. Kịch bản tăng trưởng với tốc độ thấp hơn và lạm phát phải chấp nhận cao hơn đã hiện hữu. Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023.

Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, góp phần đảm bảo vững chắc cân đối ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nguồn cải cách tiền lương và các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội quan trọng, cấp bách khác, đồng thời có nguồn lực ứng phó với các cú sốc bất lợi khó lường trước, Bộ Tài chính cần tiếp tục tăng cường rà soát các dư địa tiềm năng trong quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, đôn đốc xử lý nợ đọng thuế.

Về dài hạn, việc cân đối cơ cấu thu để các khoản thu bền vững, dài hạn tăng trưởng ổn định hơn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với các khoản thu từ dầu thô, đất... Cần có các chính sách cụ thể và minh bạch hơn về quản lý nguồn thu thuế trong bối cảnh xu thế phát triển kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số khiến các hoạt động kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử,… đang phát triển mạnh để gia tăng nguồn thu từ các hoạt động này. Mục tiêu kinh tế số chiếm 20% năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 đang tạo dư địa rất lớn cho việc gia tăng nguồn thu từ bộ phận kinh tế này.

Trong thời gian qua, nền tảng tài khóa đã đem lại nhiều thành quả cho nền kinh tế của Đất nước, tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm, xếp hạng tín nhiệm được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức trong trong lĩnh vực tài khóa, trong đó cơ cấu thu ngân sách mặc dù có cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững, quy mô tuyệt đối của nợ công vẫn tăng nhanh. Trong thời gian tới, thu, chi ngân sách phải được cải thiện theo hướng tăng tính bền vững của các nguồn thu và giảm chi thường xuyên.

Định hướng cơ bản và lâu dài là cần kiên định và nhất quán trong việc thực hiện chính sách tài khóa theo hướng ngược chu kỳ kinh tế, thắt chặt trọng trong thời kì tăng trưởng cao và mở rộng khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc tiêu cực, suy giảm tăng trưởng, qua đó mới phát huy được hiệu quả dài hạn của chính sách tài khóa đối với ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!