Xem xét kỹ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội nhận hối lộ

Hữu Hòe

Nhiều ý kiến đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội nhận hối lộ thay bằng hình phạt Tù chung thân không xét giảm án.

Tránh hiểu lầm công cuộc chống tham nhũng đang giảm nhiệt

Một nội dung đáng chú ý tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì vừa diễn ra, là dự thảo đề xuất dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: (1) “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự); (2) “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114); (3) “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); (4) “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250); (5) “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); (6) Tội gián điệp (Điều 110); (7) Tội tham ô tài sản (Điều 353); (8) Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Cùng với đề xuất dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh trên, Ban soạn thảo đề nghị thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Liên quan đến đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, góp ý cho dự án luật, ông Nguyễn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình, vì hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thu hút đầu tư và tạo lập môi trường phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MOJ
Ông Nguyễn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MOJ

“Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích, nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nếu loại bỏ hình phạt tử hình với các tội danh này vào thời điểm hiện nay, e rằng sẽ khiến xã hội hiểu lầm rằng, công cuộc chống tham nhũng đang giảm nhiệt hoặc dừng lại”, ông Nam lập luận.

Ông phân tích thêm, thực tiễn cho thấy, khi đối tượng đứng trước nguy cơ nhận án tử hình, thái độ và hành vi hợp tác thường thay đổi rõ rệt. Sức răn đe của mức án cao nhất này không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý, mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Cũng với góc nhìn tương đồng, ông Dương Minh Nghĩa - đại diện Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị, phải xem xét kỹ lưỡng việc bỏ án tử hình đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ.

“Thực tiễn cho thấy, các trường hợp bị xử tử hình vì Tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn và ở độ tuổi nhất định. Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án, thì về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không còn đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác”, ông Nghĩa phân tích.

Đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng

Phát biểu kết luận cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng các hình phạt thay thế như phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong tư duy lập pháp hiện đại.

Tuy nhiên, về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, bà Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hai tội danh này có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay.

“Thực tế cho thấy, những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có hình phạt tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh này, cơ quan chủ trì cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội…”, bà Oanh đề nghị./.