Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng công nghiệp
Đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trước mối quan tâm về giải pháp nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp và giữ chân khối doanh nghiệp FDI trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 04 địa phương trên cả nước.
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 81,5%; ti vi tăng 22,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,8%; quần áo mặc thường tăng 14,3%; linh kiện điện thoại tăng 12,0%; giày, dép da tăng 9,1%; thức ăn cho thủy sản tăng 7,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 12,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 2,4%; thép cán giảm 1,8%; điện thoại di động giảm 1,7%; sơn hóa học giảm 0,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,2%).
Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90,0% (bình quân quý I/2024 là 68,7%).
Tại Họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Công Thương, trả lời vấn đề Mỹ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - cho hay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, ngành công nghiệp đạt 9,3%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt 2 con số.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay, trong bối cảnh hiện nay, có thể nhìn ra những khó khăn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải đối mặt. Trong đó, dệt may, da giày, điện tử, gỗ… là những nhóm ngành có kim ngạch lớn, xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 30% tỷ trọng.
Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đang tính đến việc phối hợp với các bộ, ngành nhằm xây dựng tín dụng ưu đãi thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm trong nước và những dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo như: Dự án chế biến nông sản, dự án về bauxit ở Tây Nguyên…
Song song, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai những giải pháp dài hạn, căn cơ để chủ động vượt qua khó khăn. Trong đó, Việt Nam đã có 17 hiệp định thương mại tự do với 60 quốc gia, đây là cơ hội tốt để đa dạng hoá thị trường.
Cùng đó, đẩy nhanh đàm phán nhằm khơi mở thị trường mới, như thị trường các nước Trung Đông, Nam Á, Mỹ Latinh… Cải thiện hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nước ngoài.
Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phối hợp địa phương để thu hút nguồn lực vào phát triển công nghiệp, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn.