Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Yêu cầu ngành Hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa
“Năm 2018, ngành Hải quan cần triển khai có hiệu quả đề án giám sát hải quan tự động tại các cảng biển, hàng không và các đề án cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan khác theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với 35 điểm cầu tại Hải quan các địa phương sáng ngày 11/1/2018.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với 35 điểm cầu tại Hải quan các địa phương, sáng ngày 11/1/2018 |
Triển khai hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2017, Tổng cục đã hoàn thành 16/16 đề án, trong đó, đã được Bộ Tài chính duyệt 12 đề án, công tác trọng tâm trình Bộ Tài chính; Hoàn thành 49/49 đề án, đạt 100% đề án, công tác trọng tâm trình Tổng cục Hải quan.
Từ 1/3/2017, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử Hải quan, nâng số lượng thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan được cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 lên 126/178 TTHC, tăng 46 TTHC so với năm 2016 và đạt 71% số lượng TTHC. Trong đó, có 123 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. Tính đến 31/12/2017, Hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 73 nghìn bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của gần 11,8 nghìn cá nhân, doanh nghiệp (DN).
Năm 2017 đã có hơn 20 nghìn tờ khai được phân luồng kiểm tra qua máy soi, tương ứng khoảng 45 nghìn container. Sau khi kiểm tra qua máy soi, có hơn 11 nghìn container được mở kiểm tra thủ công, phát hiện vi phạm đối với gần 100 container. Đặc biệt, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất áp dụng 7 hệ thống máy soi ngầm đối với hành lý ký gửi của người nhập cảnh, tránh hiện tượng ách tắc, tạo môi trường thông thoáng.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ hải quan góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tăng tính minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Hải quan, hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020…
Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa theo đúng lộ trình
Trên cơ sở phân tích những tồn tại và thách thức trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao của Tổng cục Hải quan trong năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng cục Hải quan cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao; Phấn đấu hoàn thành, vượt tối thiểu 3-3,5% dự toán được giao. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu: Tổng cục Hải quan cần bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP và Chương trình hành động của bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy chính quyền địa phương, sự phối hợp của các sở, ban ngành trên địa bàn để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN; Tập trung thanh tra, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát chi giá, tính thuế, hàng hóa XNK để chống thất thu NSNN; Đôn đốc thu nộp kịp thời nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để rút ngắn thời gian chi phí thông quan hàng hóa theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 01/NQ-CP và Quyết 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau: Tiếp tục tham mưu, đôn đốc, điều phối có hiệu quả các bộ, ngành thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; Triển khai TTHC mới theo Quyết định 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng trình Bộ trình Chính phủ Nghị định thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, tạo thêm khung pháp lý thống nhất cho việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và trao đổi thông tin chứng từ điện tử với các đối tác thương mại; Đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng áp dụng quản lý rủi ro từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Chuẩn hóa, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan hàng hóa;
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả đề án giám sát hải quan tự động tại các cảng biển, hàng không và các đề án cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan khác theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra; Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và gắn với đó là xã hội hóa cơ sở vật chất… Đồng thời, yêu cầu: Tổng cục Hải quan phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức; kiên quyết đưa ra khỏi Ngành các công chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, vi phạm kỷ luật;
Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng Nghị quyết của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính; Quán triệt sâu sắc trong toàn ngành về Nghị quyết 04/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng; Ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ Chí Minh...
Từ 1/3/2017, Hệ thống DVCTT đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử Hải quan, nâng số lượng TTHC trong lĩnh vực hải quan được cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 lên 126/178 TTHC, tăng 46 TTHC so với năm 2016 và đạt 71% số lượng TTHC. Trong đó, có 123 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. Tính đến 31/12/2017, Hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 73 nghìn bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của gần 11,8 nghìn cá nhân, doanh nghiệp.