Áp dụng hóa đơn điện tử thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước


Triển khai Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước. Nhờ đó, đến nay, 100% các đơn vị liên hệ với cơ quan thuế tại nơi đơn vị đóng trụ sở đã hoàn thành việc đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình triển khai hóa đơn điện tử  trên phần mềm của ngành Dự trữ Nhà nước.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình triển khai hóa đơn điện tử trên phần mềm của ngành Dự trữ Nhà nước.

Sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia đảm bảo đúng quy định

Theo ông Nguyễn Quang Thành - Vụ Tài vụ - Quản trị (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), hàng dự trữ quốc gia bao gồm: Vật tư, thiết bị, hàng hóa trong Danh mục hàng dự trữ quốc gia do Nhà nước trực tiếp quản lý, nắm giữ để sử dụng vào mục tiêu dự trữ quốc gia. Đây là nguồn hàng hóa được sử dụng nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu về sản xuất, đời sống, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn; bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng...

Chính vì vậy, nguyên tắc quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia được Nhà nước bảo quản, quản lý một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Do tính đặc thù này mà việc bán hàng dự trữ quốc gia cũng phải tuân thủ những nguyên tắc riêng.

Trong đó, hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia là chứng từ do đơn vị dự trữ bán hàng dự trữ quốc gia lập, ghi nhận thông tin bán hàng dự trự quốc gia theo quy định của pháp luật. Qua các giai đoạn phát triển, việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia được quy định chặt chẽ bằng văn bản quy phạm pháp luật. Hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia được thể hiện bằng các hình thức hoá đơn tự in, hoá đơn đặt in và hoá đơn điện tử.

Trong đó, hoá đơn tự in là hoá đơn do các đơn vị dự trữ nhà nước tự in ra theo mẫu trên các thiết bị tin học, trên máy tính tiền, các loại máy khác khi xuất, bán hàng dự trữ quốc gia. Hoá đơn đặt in là hoá đơn do các đơn vị dự trữ nhà nước đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động xuất, bán hàng DTQG theo mẫu quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BTC ngày 8/2/2012 quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia. Hoá đơn điện tử là tập hợp các dữ liệu điện tử về xuất, bán hàng dự trữ quốc gia được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch Điện tử và các văn bản hướng dẫn.

 Đánh giá về quá trình sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia trong những năm qua của ngành Dự trữ Nhà nước, ông Nguyễn Quang Thành cho biết, thực tế cho thấy, tại các đơn vị dự trữ nhà nước sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đặt in, cấp phát cho các đơn vị. Trong quá trình cấp phát, quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia tại các đơn vị luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia vẫn còn khó khăn như: Hóa đơn in bằng giấy nên công tác quản lý, lưu trữ hóa đơn trong điều kiện thời tiết nóng ẩm dễ bị hỏng, dễ bị nhầm lẫn, dễ mất mát trong quá trình lưu trữ lâu dài; không gian lưu trữ hóa đơn giấy lớn…

100% đơn vị hoàn thành đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử

Ngày 13/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, điểm mới của Nghị định số 123/2020/ NĐ-CP là quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Để hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành Tài chính triển khai hóa đơn điện tử thống nhất trong toàn Ngành, ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Hiện thực hóa hướng dẫn này, Bộ Tài chính lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ; giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, cả nước áp dụng thống nhất sử dụng hóa đơn điện tử từ tháng 4/2022. Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định rõ một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm: Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.

Trên cơ sở quy định và hướng dẫn trên, ngày 25/4/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức có Công văn số 611/TCDTTVQT để hướng dẫn các đơn vị thực hiện đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước.

Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước hướng dẫn các đơn vị đăng ký, thay đổi nội dung sử dụng hóa đơn điện tử và xử lý hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia trước đây còn tồn. Với các biện pháp triển khai cụ thể, hiệu quả, đến thời điểm hiện nay, 100% các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục đã liên hệ với cơ quan thuế nơi đơn vị đóng trụ sở để hoàn thành việc đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử, đảm bảo theo quy định.

“Việc kịp thời hướng dẫn các đơn vị đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước đã giúp Tổng cục Dự trữ Nhà nước giảm chi phí đáng kể so với sử dụng hóa đơn giấy (chi phí thuê in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn…). Đặc biệt, thông qua sử dụng hóa đơn điện tử giúp cho các đơn vị quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia thuận tiện và hạn chế rủi ro như mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hóa đơn điện tử được lưu trữ trên hệ thống”, ông Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh.

*Theo Hữu Phú - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2022.