Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2022):
Bộ trưởng Hoàng Anh - Người tạo dựng nền móng cơ bản cho sự phát triển của ngành Tài chính
Trong cuộc đời gần 80 năm cống hiến cho Đảng, cách mạng và dân tộc, dù trên cương vị công tác nào, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh đều tạo được nhiều ấn dấu ấn thành công. Trong lĩnh vực tài chính, ông đã để lại nhiều điều đáng để chúng ta học tập. Nói về công lao, đóng góp của Bộ trưởng Hoàng Anh không thể không nhắc tới 4 quan điểm: Sản xuất; quần chúng; động viên công bằng; tiết kiệm. Đây là các quan điểm tạo nền tảng có giá trị cho phát triển ngành Tài chính.
Tạo nền móng cơ bản cho phát triển ngành Tài chính
Có thể khẳng định, Bộ trưởng Hoàng Anh là người đầu tiên xây dựng và phát triển ngành Tài chính dựa trên 4 quan điểm về tài chính gồm: Sản xuất; quần chúng; động viên công bằng; tiết kiệm. Cụ thể:
- Sản xuất: Tài chính mà không lo cho kinh tế, sản xuất thì không thể có nguồn thu. Như vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế thì mới có nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Làm tài chính là phải lấy công cụ tài chính để tác động lên các ngành, nâng cao hiệu suất công tác, từ đó làm cho kinh tế phát triển. Chính sách thuế khóa cũng phải làm sao để khuyến khích người dân làm việc có năng suất, hiệu quả hơn, có thu nhập thực tế. Với quan điểm này, nguồn thu cho NSNN đã được bảo đảm trong nhiều giai đoạn khó khăn nhất của đất nước.
- Quần chúng: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tài chính phải dựa vào dân.
- Động viên công bằng: Trong bối cảnh đất nước chiến tranh, việc động viên ở tất cả lĩnh vực, trong đó kể cả tài chính là rất quan trọng. Trong lĩnh vực tài chính, phải động viên công bằng thì mới có thể nuôi dưỡng được nguồn thu.
- Tiết kiệm: Ngành Tài chính nắm giữ nguồn lực tài chính. Chính vì vậy, việc luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn do chiến tranh. Hơn nữa, thực hành tiết kiệm cũng là một trong những nét son của ngành Tài chính.
Khái quát lại, việc đưa ra 4 quan điểm về tài chính có thể khẳng định, Bộ trưởng Hoàng Anh đã tạo nên nền móng cơ bản cho sự phát triển của ngành Tài chính.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn lãnh đạo ngành Tài chính, Bộ trưởng Hoàng Anh là người chủ trương xây dựng Ngành dựa trên 3 chức năng chính, gồm: Động viên công bằng hợp lý; tiết kiệm; tập trung giám sát. Cụ thể, đối với chức năng động viên công bằng hợp lý, tức là động viên công bằng là thuế, thu ngân sách chủ yếu từ thuế và thu trong khu vực quốc doanh.
Chức năng tiết kiệm đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Làm tài chính gắn liền với tiền, nguồn lực của Đất nước nên phải nêu cao tinh thần tiết kiệm, không thể chi "một cách vô tội vạ, vô nguyên tắc". Bối cảnh lịch sử lúc đó, do hậu quả chiến tranh để lại và sau này khi chiến tranh kết thúc thì nguồn viện trợ cũng không còn, nên để bảo đảm cho chi tiêu của Đất nước, ngành Tài chính phải thực hiện chức năng tiết kiệm.
Trước đây, Bộ Tài chính quản lý các nguồn chi viện từ các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô, Trung Quốc, do quản lý rất chặt, kiểm soát chi từng đồng, tiết kiệm từng xu, cho nên, có những năm, chúng ta cân đối được và bội thu.
Chức năng giám sát của ngành Tài chính được phát huy mạnh mẽ. Bối cảnh lịch sử lúc đó, Bộ Tài chính quản lý hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và kiểm tra giám sát. Bộ trưởng Hoàng Anh chỉ đạo ngành Tài chính thực hiện đúng chức năng của Ngành là tập trung giám sát rất chặt chẽ.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay, nền kinh tế đã hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng các chức năng này vẫn còn nguyên giá trị.
Những công lao của vị Bộ trưởng có tầm nhìn xa
Có thể nói, đồng chí Hoàng Anh là một trong những người xuất sắc trong hàng ngũ Bộ trưởng của ngành Tài chính. Ông là người có công lao lớn nhất trong việc xây dựng ngành Tài chính quy mô và cơ bản.
Nếu như trước đó, ngành Tài chính chỉ có trách nhiệm cung cấp thì đến thời Bộ trưởng Hoàng Anh chủ trương tài chính phải gắn liền với phát triển kinh tế. Điều này hoàn toàn đúng đắn bởi thời điểm đó vừa mới giải phóng miền Bắc, kinh tế rất khó khăn, ngân sách thiếu hụt.
Hơn nữa, bối cảnh lịch sử lúc đó, toàn miền Bắc có 15 xí nghiệp do Pháp để lại, trong đó có một số xí nghiệp lớn như Dệt Nam Định, Xi măng Hải Phòng, Rượu Hà Nội… nên Bộ trưởng Hoàng Anh đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiến hành quản lý, xây dựng ngành công nghiệp quốc doanh, phục hồi 15 xí nghiệp này nhằm tạo nguồn thu cho NSNN.
Bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đầu tư xây dựng công nghiệp quốc doanh và xây dựng thêm một số xí nghiệp quốc doanh khác. Có thể nói, đồng chí Hoàng Anh là người có công lao rất to lớn trong chỉ đạo xây dựng hệ thống công nghiệp quốc doanh từ đầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hoàng Anh cũng là người chủ trương xây dựng quản lý hệ thống nội thương. Lúc đó, lĩnh vực thương nghiệp phát triển rất mạnh và rộng, xuống đến huyện, xã nên rất khó quản lý. Nhà nước không thể nắm tài chính của lĩnh vực nội thương.
Đồng chí Hoàng Anh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống tài vụ nội thương và triển khai thí điểm ở tỉnh Hải Dương. Sau một năm thí điểm, kết quả chiết khấu định mức (phí lưu thông + lãi định mức) cho 45 nhóm hàng được hoàn thành. Nhờ đó, hạch toán mua bán hàng và chi phí lưu thông từ cửa hàng đến công ty được cập nhật. Chênh lệch giá hàng được bóc tách rõ ràng.
Kết quả thí điểm trên đã được Bộ Nội thương tán thành và cho mở rộng hạch toán ra toàn ngành Nội thương. Để phối hợp được khâu lưu thông và sản xuất quốc doanh là yêu cầu cấp bách của hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Tiếp đó là tiến hành xây dựng chế độ hạch toán ở xí nghiệp sản xuất công nghiệp quốc doanh để có sự phối hợp giữa Vụ Tài vụ thương nghiệp, Tài vụ công nghiệp, Cục Thu quốc doanh và Tài vụ kế toán Bộ Công nghiệp tiến hành có kết quả. Hệ thống giá bán buôn xí nghiệp (kế hoạch giá thành + lãi định mức) được hình thành. Chênh lệch giá trong ngành nội thương đã được xác định thành hệ thống và định mức thu quốc doanh chuyển sang ngành sản xuất công nghiệp để thu nộp vào NSNN.
Kết quả 2 cuộc thí điểm hạch toán ở ngành sản xuất công nghiệp quốc doanh và ngành thương nghiệp quốc doanh đã góp phần vào việc hình thành hệ thống hạch toán kế toán XHCN ở miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài chính xí nghiệp và kiểm tra đôn đốc thu nộp thu quốc doanh và lợi nhuận vào NSNN. Điều này giúp cho NSNN hạch toán được lỗ lãi của ngành Thương nghiệp một cách rõ ràng, từ đó thu được chênh lệch giá, tạo cho NSNN một nguồn thu lớn và quan trọng. Đây chính là công lao của Bộ trưởng Hoàng Anh vì những chỉ đạo sát sao của ông trong việc thực hiện thành công việc này...
Nhu vậy, có thể thấy, Bộ trưởng Hoàng Anh là người không chỉ tạo dấu ấn với 4 quan điểm và 3 chức năng tài chính cơ bản cho phát triển ngành Tài chính, mà còn là vị Bộ trưởng đã có nhiều chỉ đạo sắc bén, đóng góp to lớn vào việc hình thành hệ thống hạch toán kinh doanh, quản lý tài chính để tạo cho NSNN có được nguồn thu bền vững, góp phần khôi phục kinh tế và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tài liệu tham khảo:
1. “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, NXB Tài chính, 2012;
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).
Nguyễn Linh (T/h)