Nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia

TS. Nguyễn Văn Bình/Bài đăng trên Bản tin Dự trữ Nhà nước - Tháng 1 + 2/2021

Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tạo nên thành công đó có sự đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

Những kết quả nổi bật

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, tạo ra đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới và làm xáo trộn đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh trong nước.

Cùng với dịch bệnh bùng phát là thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, giông lốc, xâm nhập mặn… xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân… Bối cảnh đó đã tác động lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Năm 2020, Tổng cục DTNN chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành 17 văn bản, bao gồm 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 15 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật của Bộ Tài chính. Cụ thể, năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành 17 văn bản, bao gồm 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 15 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trước tình hình dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế xây dựng, tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết này là cơ sở pháp lý để ngành Dự trữ Nhà nước xây dựng kế hoạch mua vật tư, thiết bị y tế đưa vào dự trữ quốc gia trong những năm tới, tạo nguồn lực sẵn sàng chủ động đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp về y tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn gây ra…

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương để xây dựng, tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, là căn cứ pháp lý để tiếp tục hoàn thiện quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế-kỹ thuật đối với mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Xác định trọng tâm trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia, năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ trì trình Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 15 thông tư về quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế-kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia, gồm: (i) Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng dự trữ quốc gia; (ii) Thông tư số 48/2020/TT-BTC ngày 29/5/2020 sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xuồng (tàu) cao tốc dự trữ quốc gia; (iii) Thông tư số 87/2020/TT-BTC ngày 30/10/2020 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia; (iv) 12 thông tư về quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cùng với đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tập trung xây dựng, hoàn thành dự thảo 03 thông tư về định mức chi phí quản lý các mặt hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý, gồm: (i) Thông tư quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý; (ii) Thông tư quy định về định mức chi phí bảo quản, hao hụt hàng hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ đến năm 2020 và hoàn thành dự thảo Quy hoạch tổng thể kho dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, tham mưu Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1923/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân sách (có hiệu lực từ ngày 25/11/2020).

Đồng thời, xây dựng, ban hành 11 đề án cơ chế, chính sách quản lý nội ngành, gồm 4 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị, danh mục các chi cục Dự trữ Nhà nước và 7 quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị...

Để tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thường xuyên rà soát, đánh giá khung khổ pháp luật, xác định những cơ chế, chính sách còn vướng mắc trong thực tiễn.

Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã rà soát, đánh giá những nội dung Luật dự trữ quốc gia và Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật dự trữ quốc gia. Qua đó, báo cáo Bộ Tài chính và tham mưu các văn bản đôn đốc các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ. Kết quả rà soát cũng đề xuất rõ một số quy định còn bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong những năm tới cho phù hợp, đồng bộ.   

Trước tình trạng các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, tham mưu Bộ Tài chính có Báo cáo số 87/BC-BTC ngày 09/7/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện về cơ chế, chính sách trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để ràng buộc trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các nhà thầu.

Trên cơ sở đó, tại Văn bản số 8464/VPCP-CN ngày 09/10/2020, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật về đấu thầu; tổ chức thực hiện công tác mua gạo dự trữ quốc gia theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia sau khi đã trúng thầu; bảo đảm kịp thời, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí trong thu mua gạo dự trữ quốc gia.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tập trung xây dựng, hoàn thiện một số đề án chính sách mang tính chiến lược cho giai đoạn tới. Đồng thời, tập trung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia.

Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tập trung triển khai các đề án điển hình như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia năm 2030, định hướng năm 2040; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể kho dự trữ quốc gia đến năm 2030; Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhà bạt cứu sinh dự trữ quốc gia; Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị khoan cắt dự trữ quốc gia và các thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia do Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương quản lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về dự trữ quốc gia hiện hành, trọng tâm là quy định về danh mục hàng dự trữ quốc gia để tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nội ngành, tập trung vào hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy chế quản lý để không ngừng hoàn thiện công tác quản lý, điều hành trong nội bộ theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài chính-tài sản chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả…

Cùng với đó, quá trình xây dựng, ban hành các văn bản chính sách, pháp luật của Tổng cục Dự trữ Nhà nước được lập kế hoạch chi tiết theo từng tháng, có phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị và cá nhân công chức; thực hiện kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện hàng tháng tại các hội nghị giao ban; kịp thời chỉ đạo để bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản.

Với những định hướng nêu trên, hy vọng hệ thống chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.