Áp dụng quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ xuyên suốt quá trình kiểm tra hải quan


​Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999 đã khuyến nghị hải quan các nước áp dụng mãnh mẽ các nguyên tắc quản lý rủi ro trong quá trình kiểm tra hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh và hành khách qua lại biên giới quốc gia trong suốt thời gian vận động mang tính lịch sử của các đối tượng quản lý nêu trên của cơ quan hải quan.

Gần mười năm qua, kể từ năm 2006 đến nay, Hải quan Việt Nam thực hiện Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành trong việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác nghiệp vụ của cơ quan hải quan. Công tác này đã từng bước có tiến triển vượt bậc cả về nhận thức và hành động, đem đến thành công trong cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tiết kiệm chi phí, thông quan nhanh và hiệu quả ở cả doanh nghiệp và hải quan.

Bước tiếp theo của Luật Hải quan năm 2014, cần phải bắt tay vào nghiên cứu triển khai quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ hải quan (Customs Compliance Management) ở một mức độ cao hơn và sâu hơn trong hoạt động quản lý hải quan hiện đại như khi nghiên cứu “Cẩm nang về quản lý rủi ro hải quan” phát hành tháng 6/2012 của Tổ chức Hải quan thế giới đã nêu ra là “quản lý mức độ của các thương nhân tuân thủ pháp luật, quy định và chính sách mà cơ quan Hải quan phải thực thi”.

Phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, ở tất cả các khâu quản lý, từ cấp Tổng cục đến từng nhân viên hải quan cấp Chi cục cửa khẩu. Phương pháp này không còn là quản lý rủi ro ở mức độ hoạt động cá nhân hay trong từng đơn vị nghiệp vụ cụ thể nữa. Việc tiếp cận toàn diện để quản lý rủi ro đòi hỏi phải có hoạt động đánh giá thường xuyên đối với các rủi ro tiềm ẩn ở mọi cấp độ quản lý hành chính và bước sau đó là tập hợp các kết quả ở cấp độ toàn ngành để thúc đẩy việc thiết lập các trật tự ưu tiên và nâng cao chất lượng của việc ra quyết định quản lý.

iệc xác định, đánh giá và quản lý rủi ro trên phạm vi toàn ngành sẽ chỉ ra bức tranh toàn cảnh của các rủi ro và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận nghiệp vụ trong sơ đồ hoạt động quản lý hải quan tổng thể, nó cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa công tác kiểm tra hải quan trước thông quan dẫn đến việc hỗ trợ tối đa cho hoạt động kiểm tra trong thông quan và cuối cùng là cung cấp cơ sở dữ liệu để phục vụ kiểm tra sau thông quan. Ngược lại, từ kết quả của kiểm tra sau thông quan giúp đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp để tiếp tục vận hành các nguyên tắc quản lý rủi ro cho khâu kiểm tra trước thông quan và khâu trong thông quan.

Quản lý rủi ro toàn diện từ khâu kiểm tra trước, kiểm tra trong thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan đòi hỏi nằm trong một hệ thống vững chắc, mạnh mẽ và có tính tổ chức cao, trong đó, cán bộ, công chức tại tất cả các cấp quản lý và các đơn vị nghiệp vụ hải quan được giao quyền và nhiệm vụ cụ thể để tham gia trực tiếp vào các khâu công việc được phân công trong từng khâu nghiệp vụ hải quan.

Hệ thống quản lý rủi ro hiện đại đáp ứng yêu cầu Luật Hải quan năm 2014 phải được xây dựng sao cho các hoạt động quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp với mục tiêu tổng thể của ngành hải quan, với nhiệm vụ trọng tâm, định hướng chiến lược, điều kiện hoạt động thực tiễn và trên nền tảng văn hóa nội bộ văn minh của cơ quan hải quan. Để đảm bảo quản lý rủi ro được coi là một nội dung ưu tiên hàng đầu, là “linh hồn của công tác hải quan hiện đại” và phải được sắp xếp, tập trung nguồn lực phù hợp thì quản lý rủi ro phải là một bộ phận không thể tách rời trong quy trình ban hành các quyết định quản lý nghiệp vụ, cả ở cấp độ chiến lược (Tổng cục) lẫn cấp độ thực thi (Cục và Chi cục).

Một khi quản lý rủi ro đã được đánh giá và sắp xếp đúng vị trí thì tất cả các cán bộ, công chức ngành Hải quan sẽ được tham gia vào hệ thống ở mức độ nhất định.

Có nhiều cách khác nhau để xây dựng và tổ chức hệ thống quản lý rủi ro. Trong hệ thống sẽ phải bao gồm năm yếu tố chính. Đó là: (1) những nhiệm vụ và cam kết cụ thể đối với hệ thống quản lý rủi ro, (2) việc sắp xếp tổ chức quản trị rủi ro (thiết kế hệ thống), (3) thực hiện và thực hành công tác quản lý rủi ro, (4) giám sát và đánh giá, cuối cùng là (5) thường xuyên nghiên cứu để phát triển hệ thống ở mức độ hoàn thiện, hiệu quả nhất.

Các yêu cầu và cam kết cấp cao là yếu tố quan trọng, tối cần thiết đối với hoạt động quản lý rủi ro hiệu quả. Quản lý rủi ro sẽ khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn nếu không được ủng hộ và hỗ trợ từ các cấp quản lý cấp cao. Tổng cục trưởng Hải quan và các nhà quản lý cao cấp khác cần phải thiết lập ra chính sách, mục tiêu và có phương án giao quyền hoạch định công việc, phân bổ nguồn lực và ra quyết định về quản lý rủi ro và đánh giá rủi ro. Để nâng cao nhận thức và ý thức về công tác quản lý rủi ro, nhiệm vụ định hướng trong giai đoạn đến 2020, ngành Hải quan phải:

• Thực thi một chính sách quản lý rủi ro phù hợp với chiến lược và mục tiêu hoạt động của toàn ngành;

• Tuyên truyền, phổ biến rõ ràng các chính sách và nghĩa vụ về quản lý rủi ro;

• Xây dựng các chỉ số về dấu hiệu rủi ro được áp dụng trong từng khâu nghiệp vụ quản lý và đánh giá kết quả hoạt động hải quan; và

• Bảo đảm tính hiệu lực và ý nghĩa thực tiễn của công tác quản lý rủi ro.

Khi áp dụng quản lý rủi ro vào các khâu nghiệp vụ quản lý, cơ quan hải quan cần nghiên cứu và áp dụng một số nguyên tắc hướng dẫn chung, và theo đó xây dựng biện pháp thực hiện ở tất cả các cấp quản lý bao gồm:

• Quản lý rủi ro phải góp phần tích cực để đạt được mục tiêu chính trị của ngành. Việc quản lý các rủi ro phải giúp cải tiến phương pháp thực thi và đánh giá hiệu quả thực thi của hoạt động quản lý nghiệp vụ hải quan;

• Công tác quản lý rủi ro phải được xây dựng và thực hiện phù hợp với môi trường hoạt động chung, bên trong và bên ngoài, của ngành hải quan, cũng như vai trò của ngành hải quan trong môi trường chung đó;

• Quản lý rủi ro phải được coi là một bộ phận không thể tách rời của tất cả các quy trình tổ chức nghiệp vụ, bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch công tác và các hoạt động quản lý thay đổi, quản lý dự án khác;

• Công tác quản lý rủi ro phải hỗ trợ các cấp quản lý để ban hành quyết định nghiệp vụ thông qua các cảnh báo được đưa ra trong quá trình lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên và ứng dụng các hành vi quản lý, để từ đó có biện pháp xử lý các rủi ro phát sinh một cách phù hợp và có hiệu quả. Quản lý rủi ro không phải là trò ảo thuật nhưng nó luôn giúp người ban hành quyết định có được lựa chọn đúng đắn. Đó là một phương pháp làm việc và suy nghĩ nhằm đạt được hiệu quả công việc cao hơn. Quản trị rủi ro chính là việc tìm hiểu và thừa nhận thực tế rằng khi quản lý các rủi ro, sẽ luôn có khả năng xảy ra những rủi ro bất lợi cho công tác quản lý;

• Quản lý rủi ro phải được thực hiện một cách có hệ thống, có kết cấu chặt chẽ và kịp thời. Công tác này phải tuân thủ một phương pháp luận đã được quyết định từ trước, để từ đó đạt được kết quả có hiệu năng cao, phù hợp, có lợi thế và đáng tin cậy;

• Quản lý rủi ro phải luôn dựa trên những thông tin tốt nhất sẵn có từ các nguồn thông tin và thông tin tình báo như cơ sở dữ liệu lịch sử, kinh nghiệm, phản hồi của các đối tác nghiệp vụ, kết quả quan sát, các dự đoán và nhận định của chuyên gia;

• Quản lý rủi ro phải có tính minh bạch và tính bao hàm. Trong công tác quản lý rủi ro, phải xem xét yếu tố phù hợp và kịp thời đối với hoạt động của các bên có liên quan;

• Quản lý rủi ro phải có tính năng động, tính kế thừa và nhạy bén đối với những thay đổi. Vì các hoạt động bên trong và bên ngoài hệ thống luôn phát sinh, bối cảnh hoạt động và kiến thức, nhận thức sẽ luôn thay đổi, sẽ phải thường xuyên theo dõi và đánh giá lại rủi ro, sẽ có những rủi ro mới phát sinh, một số rủi ro biến đổi và một số khác bị triệt tiêu;

• Quản lý rủi ro phải thúc đẩy sự cải tiến liên tục đối với công tác quản lý hành chính. Phải xây dựng và thực thi các chiến lược và kế hoạch phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro cùng với tất cả các hoạt động khác của ngành hải quan; và

• Quản lý rủi ro phải bao gồm cả các yếu tố con người và văn hóa, trong điều kiện nghiên cứu và xác định được năng lực, nhận thức và mục tiêu của các đối tượng bên trong và bên ngoài ngành, là những người có thể gây ảnh hưởng hoặc trực tiếp tác động đến kết quả hoạt động quản lý.

Các cán bộ quản lý các cấp trong ngành Hải quan sẽ đóng vai trò then chốt, bảo đảm cho sự phù hợp giữa văn hóa tổ chức của Ngành với các chính sách và nguyên tắc quản lý rủi ro. Thực hành quản lý rủi ro hiệu quả chỉ có thể được hiện thực hóa đầy đủ khi quản lý rủi ro được đưa vào áp dụng ở tất cả các hoạt động nghiệp vụ quản lý hải quan.

Các cấp lãnh đạo nên quán triệt rõ với đội ngũ nhân viên thừa hành rằng ngành Hải quan dự kiến sẽ thực hiện theo các chính sách quản lý rủi ro. Định mức và giá trị nhận thức rất quan trọng để tác động đến văn hóa phản ứng và nhạy cảm với rủi ro và cán bộ lãnh đạo các cấp có thể tác động đến văn hóa của ngành Hải quan bằng cách xây dựng và phát triển các giá trị, các giả định cơ bản và niềm tin được chia sẻ trong công chức hải quan.

Khi được đưa vào áp dụng, quản lý rủi ro đòi hỏi phải có những cam kết bền vững liên quan đến các chính sách và kế hoạch hành động. Lợi ích của quản lý rủi ro thường có tính lâu dài. Vì vậy, điều quan trọng là các cam kết phải được duy trì qua thời gian. Các cam kết có thể được duy trì thông qua việc thường xuyên tăng cường với mức độ cao đối với nhận thức và nhắc nhở công chức hải quan về tầm quan trọng của quản lý rủi ro.

Trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan Hải quan Việt Nam muốn tạo được chuyển biến nâng lên tầm cao mới, rút ngắn khoảng cách phát triển đạt được trong nhóm Hải quan tiên tiến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì phải nhanh chóng áp dụng phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên cơ sở quản lý rủi ro hiện đại.

Phương pháp quản lý tuân thủ đòi hỏi cơ quan hải quan hiện đại phải tiến hành các biện pháp hành chính bao gồm đưa vào áp dụng giải pháp dịch vụ khách hàng, giáo dục và nâng cao ý thức tự nguyện chấp hành pháp luật, hỗ trợ kỹ thuật bằng cách hướng dẫn cài đặt các chương trình phần mềm miễn phí và tư vấn chế độ chính sách mới ban hành, tham vấn và hợp tác trong các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của cả hai bên; xuất bản các phán quyết chính thức và các cơ chế khiếu nại chính thức; xây dựng được một cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên với con số hàng trăm doanh nghiệp.

Việc áp dụng một khuôn khổ quản lý tuân thủ chuẩn mực sẽ giúp cho cơ quan hải quan tiết kiệm được nguồn lực khi thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan và đưa ra quyết định hành chính chính xác, hiệu quả dựa trên các nguyên tắc đánh giá phân tích và xử lý các rủi ro có nguồn gốc lịch sử, từ đó cho phép tạo ra một sự cân bằng giữa tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát an toàn chuỗi dây chuyền cung ứng hàng hóa trong một chu kỳ phát triển mới đến năm 2020.