Bài 4: Nghiên cứu khoa học: Thừa lãng phí, thiếu ứng dụng
Được đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho mỗi đề tài, song nhiều đề tài khoa học không hoàn thành theo kế hoạch, phải gia hạn nhiều lần làm giảm đi tính cấp thiết của nghiên cứu. Thậm chí, nhiều đề tài sau nghiên cứu bị “xếp ngăn kéo”, không có giá trị ứng dụng trong thực tiễn…
Hàng loạt đề tài chậm hoàn thành, gia hạn kéo dài…
Đề tài nghiên cứu được thực hiện là để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên, tình trạng đề tài khoa học chậm hoàn thành, phải gia hạn nhiều lần đã làm giảm đi tính cấp thiết của nghiên cứu, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí nguồn lực đầu tư; trong khi công cuộc đổi mới phát triển đất nước rất cần vai trò đi đầu, tiên phong của KHCN.
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, tại nhiều đơn vị, thời gian thực hiện các nhiệm vụ KHCN chưa đảm bảo quy định, trong đó nổi cộm là tiến độ thực hiện các đề tài chậm, phải gia hạn nhiều lần.
Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều đề tài quá thời hạn, hoặc do Văn phòng Bộ thực hiện gia hạn không đúng quy định. Đáng chú ý, dự án “Tăng cường trang thiết bị phòng thí nghiệm, phân tích tài nguyên đất của Viện nghiên cứu quản lý đất đai” chậm, đã gia hạn thời gian thực hiện 02 lần nhưng đến thời điểm năm 2022, dự án vẫn chưa nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng…
Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại các cơ sở có chức năng nghiên cứu, đào tạo. Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều đề tài, nhiệm vụ thuộc Bộ chưa tuân thủ thời gian gia hạn. Tại Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội còn một số đề tài chậm tiến độ, phải gia hạn mà theo lý giải của một số đơn vị trực thuộc là do "ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đề tài không thể triển khai theo đúng kế hoạch".
Đáng chú ý, tại ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhiều đề tài có tiến độ thực hiện rất chậm, với 181/502 đề tài, chiếm 36% đề tài cấp ĐH Quốc gia thực hiện trong năm 2020 phải gia hạn. Trong đó, có 19 đề tài phải gia hạn trên 12 tháng, 10 đề tài đã quá thời gian gia hạn trên 12 tháng nhưng đến thời điểm kiểm toán (năm 2021) vẫn chưa được ĐH thành lập hội đồng đánh giá.
Theo đánh giá của đoàn kiểm toán, việc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho phép gia hạn nhiều đề tài đến 3 lần và tổng thời gian gia hạn trên 12 tháng là không đúng quy định do chính đơn vị đặt ra.
Những đánh giá này được củng cố thêm qua kết quả kiểm toán của KTNN đối với vấn đề này từ nhiều năm trước đây. Đơn cử, tại thời điểm kiểm toán năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện 726 đề tài cấp Bộ, tuy nhiên, còn 222 đề tài đến hạn nhưng chưa hoàn thành, phải gia hạn nhiều lần… Tại thời điểm đó, KTNN cũng đã loại khỏi quyết toán số tiền hơn 6 tỷ đồng đối với các đề tài quá hạn thực hiện.
Qua trao đổi với nhiều đơn vị có đề tài chậm hoàn thành, đại diện các đơn vị cho biết, một phần do đặc thù của nhiệm vụ KHCN gắn với từng ngành nghề có yêu cầu ngày càng cao.
Đơn cử, theo đại diện Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các nhiệm vụ KHCN của Bộ Xây dựng trong nhiều năm qua có nội dung chuyên môn khó, tài liệu kỹ thuật trong nước không đầy đủ, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế không thể xử lý và giải quyết ngay trong thời gian 01, 02 năm. "Vì thế, trước khi tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ cần phải trải qua nhiều bước, thường mất khá nhiều thời gian... " - đại diện Viện Vật liệu xây dựng thông tin.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thành phần tham gia hội đồng nghiệm thu không đủ... nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nghiệm thu đề tài nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị cùng thừa nhận, việc không đảm bảo thời gian thực hiện đề tài còn có lỗi chủ quan của tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, cũng như sự thiếu quyết liệt trong công tác đôn đốc triển khai đề tài của đơn vị nghiên cứu...
Chia sẻ với rủi ro và độ trễ trong KHCN, song nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, việc chậm hoàn thành đề tài theo kế hoạch cũng là một sự lãng phí, giảm hiệu quả của vấn đề nghiên cứu. “Đành rằng là một vài đề tài bị muộn, hoặc do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng với số lượng lớn đề tài và ở nhiều thời kỳ đều chậm trễ thì vấn đề là do người thực hiện” - một chuyên gia có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu nhận định.
… Đến những đề tài “xếp ngăn kéo” sau nghiệm thu
Việc đề tài được đầu tư lớn, trải qua quá trình thực hiện, đánh giá công phu, song không được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn cũng đang đặt ra câu hỏi lớn về sự nghiêm túc trong công tác nghiên cứu, cũng như tính hiệu quả trong đầu tư cho lĩnh vực này. Nói như nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, “đây cũng chính là sự thất thoát, lãng phí!".
Những nguyên nhân này đã được KTNN phần nào lý giải qua thực tiễn kiểm toán đối với nhiệm vụ KHCN tại các Bộ, ngành vừa qua. Trong đó, do tình trạng đề tài chậm, muộn phải gia hạn nhiều lần, kéo dài thời gian hoàn thành, dẫn đến khi được nghiệm thu thì kết quả nghiên cứu đã lạc hậu so với thực tiễn.
Đơn cử như, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ phê duyệt mở mới đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất nội dung quy định về quản lý hoạt động lấn biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” phục vụ cho việc xây dựng nghị định quy định về lấn biển, tuy nhiên đề tài thực hiện sau thời điểm Bộ hoàn thành dự thảo nghị định.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhà khoa học thuộc một cơ sở đào tạo có tiếng về khoa học tự nhiên cho biết, để đánh giá đúng hiệu quả nghiên cứu thì cần phải xem xét toàn bộ quá trình, đặc biệt là thời điểm nghiên cứu, nội dung nghiên cứu với những tác động của nghiên cứu đến dự thảo nghị định nêu trên. Tuy nhiên, dù soi chiếu dưới bất cứ góc nhìn nào cũng không thể biện giải cho sự thiếu sót của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan, việc nghiên cứu đã không đạt được mục tiêu cao nhất, theo định hướng đề ra.
Bên cạnh đó, công tác đề xuất, tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ, dự án KHCN còn thiếu sót. Đơn cử như tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua kiểm toán cho thấy một số đề tài chưa có bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước nhưng Hội đồng nghiệm thu vẫn chấm đạt và cho nghiệm thu quyết toán đề tài.
Hay tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không thực hiện xét tuyển chọn đề tài thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN; thậm chí có tình trạng tổ chức nghiệm thu đề tài, song ý kiến của Hội đồng nghiệm thu không được tiếp thu thực hiện… Điều này dẫn đến hệ lụy là chất lượng đề tài không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng trong thực tiễn.
Cần truy trách nhiệm đến cùng…
Ngoài những sai sót, tồn tại trong quá trình triển khai nhiệm vụ KHCN, liên quan đến việc sử dụng kinh phí, việc tổ chức nghiên cứu, quản lý tài sản hình thành sau nghiên cứu, đặc biệt là câu chuyện đề tài “xếp ngăn kéo” tiếp tục là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm, khi Luật KHCN đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến để sửa đổi.
Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ chấn chỉnh tình trạng này, truy đến cùng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không thể để “hòa cả làng”, để hiện tượng xấu trong khoa học gây ảnh hưởng đến nhà khoa học chân chính.
Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác là hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn này có 86 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu được gây lãng phí lớn… .
Tháng 8/2022, khi làm việc với Bộ KHCN về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng: Nhiều đề tài khoa học được đầu tư nhưng không có giá trị ứng dụng, trong khi nhiều đề tài có tính ứng dụng lại không có kinh phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua giám sát tại các Bộ, ngành, địa phương có thể thấy nguồn lực Nhà nước đầu tư cho KHCN không nhỏ, so với khả năng của nền kinh tế. Song “tỷ lệ đưa vào ứng dụng rất thấp, có những đề tài tiêu tốn nhiều tiền nhưng hiệu ứng thực tế không có” - bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Trong khi đó, qua giám sát cũng như kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, còn phổ biến tình trạng các đơn vị báo cáo chung chung về kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao. Đơn cử như tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tại thời điểm kiểm toán năm 2022, có 03/09 đề tài chưa có báo cáo ứng dụng trong thực tiễn theo quy định...
Tương tự, trong quá trình thực hiện giám sát tại Bộ Y tế về thực hiện nhiệm vụ KHCN, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, Bộ Y tế chỉ nêu chung chung, không báo cáo cụ thể 5 năm qua đã triển khai bao nhiêu đề tài, dự án KHCN, tính ứng dụng như thế nào, có lãng phí hay không.
“Thực tế cho thấy, kinh phí dành cho nghiên cứu rất lớn nhưng lãng phí không ít, hiệu quả đưa lại của việc ứng dụng các đề tài vào thực tế so với ngân sách bỏ ra không cao” - nữ đại biểu cho biết.
Mong muốn làm rõ hiệu quả của nguồn lực đầu tư cho KHCN, chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: Có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Tuy nhiên, viện dẫn lý do KHCN là lĩnh vực đặc thù, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết “khó tính toán bao nhiêu đề tài đã được đưa vào ứng dụng”!
Thẳng thắn nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn từng cho biết: “Rất nhiều đề tài được cấp kinh phí xong bị dừng, hủy, thậm chí làm xong rồi nhưng lại không được đưa vào thực tiễn; trong khi nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng thì lại không được ứng kinh phí”.
Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận, công tác quản lý nhiệm vụ KHCN, hiệu quả của các đề tài nghiên cứu KHCN chưa cao, có tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ”, không ứng dụng trong thực tiễn.
Trước hàng loạt bất cập, thậm chí là sai phạm trong KHCN xảy ra vừa qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình KHCN. Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp; cần làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới” - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) đề nghị.
Dành phần lớn thời gian làm việc cho hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia xây dựng chính sách, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học còn yếu, điều này thể hiện ở khía cạnh đề tài khoa học thực hiện chưa chuẩn, tính ứng dụng của đề tài thấp.
Theo TS. Sơn, trong khi người nông dân tìm tòi sáng chế, xuất phát từ chính yêu cầu của thực tiễn, từ sự khó khăn trong sản xuất mà họ từng trải để mong muốn thay đổi cho tốt hơn; thì có tình trạng nhà khoa học nghiên cứu, nhưng chưa xuất phát từ thực tiễn. Chưa kể, do bất cập trong quy định khiến nhiều đề tài sau khi hoàn thành khó đi vào cuộc sống...
Trăn trở khi chứng kiến người nông dân phải vất vả, năng suất thấp, anh Phùng Văn Nam (quê Bắc Ninh) đã tự mày mò nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, góp phần giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, được nông dân đánh giá cao và sử dụng rộng rãi.
Đây là 1 trong hàng chục nhà khoa học "chân đất" vừa được vinh danh tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Không giống các nhà khoa học được đào tạo bài bản, môi trường làm việc chuyên nghiệp và được Nhà nước quan tâm đầu tư, chăm lo, đa số các "nhà sáng chế nông dân" thường không được đào tạo bài bản, nhưng điểm chung là họ có tinh thần trách nhiệm, đam mê sáng tạo và khát khao làm chủ khoa học kỹ thuật, cũng như đưa sáng kiến vào thực tiễn làm thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn.
Có thể nói, những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách, lẫn tình trạng lạm dụng, mượn danh khoa học để vụ lợi… là những rào cản khiến KHCN Việt Nam chưa thể trở thành “động lực phát triển kinh tế - xã hội” như Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra.
Từ việc nhận diện rõ những bất cập, thiếu sót, điều cấp bách lúc này, đó là các cơ quan chức năng phải lắng nghe tiếng nói của nhà khoa học, của xã hội, nghiêm túc chấn chỉnh theo kiến nghị của cơ quan giám sát để kịp thời có giải pháp nhằm đưa KHCN “cất cánh”...
Bài cuối: Để khoa học, công nghệ là “bệ phóng” cho phát triển kinh tế - xã hội