Báo chí tích cực đồng hành cùng kinh tế tập thể
Thời gian qua, báo chí đã không ngừng tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của kinh tế tập thể, đồng thời, cũng phản ánh những mặt còn bất cập trong thực thi chính sách. Qua đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô,...
Nhận thức về kinh tế tập thể ngày càng sáng tỏ
Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay, nhận thức và hành động của chính quyền địa phương cũng như của người lao động về khu vực kinh tế tập thể đã có những thay đổi căn bản. Nhiều khó khăn được tháo gỡ, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ đầu tư, tiêu thụ cho hợp tác xã được các cơ quan chức năng triển khai.
Nhà nước có chính sách thuế ưu đãi, chính sách hỗ trợ tín dụng với các hợp tác xã. Vai trò của Liên minh hợp tác xã đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được phát huy hơn. Kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước được đổi mới, giải thể các hợp tác xã yếu kém kéo dài, tổ chức lại, chuyển đổi phương thức hoạt động nhiều hợp tác xã cũ, thành lập được nhiều hợp tác xã mới.
Các hợp tác xã phối hợp, liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh; tích tụ, tập trung đất đai của các hộ thành viên, hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn; phát triển các sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của địa phương; tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Lĩnh vực và phương thức hoạt động của các hợp tác xã trở nên đa dạng, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có khoảng 27.342 hợp tác xã, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2001; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động.
Mới đây, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”. Báo chí với vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, đã tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng vào cuộc, tiếp tục phát huy sức mạnh định hướng, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời cũng là diễn đàn phân tích, trao đổi, tiếp thu ý kiến rộng rãi trong nhân dân, góp phần sớm đưa nghị quyết phát huy hiệu quả trong đời sống.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của báo chí trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là truyền thông, phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng của Nghị quyết 20, trong đó đã tập trung làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tuyên truyền nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giúp công chúng hiểu rõ phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hoá, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
Phổ biến, phân tích, làm rõ các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chỉnh sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội. Giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin trao đổi đa chiều, góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể; sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tuyên truyền về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặc biệt là vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Giúp các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền hiểu và ủng hộ hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể
Thực tiễn sản xuất, kinh doanh trên thế giới ngày càng khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình hoạt động hiệu quả, được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng. Ở Nhật Bản, các loại hình hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tiêu dùng là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, trong đó hợp tác xã tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực hợp tác xã ở Nhật Bản. Châu Âu có gần 290.000 hợp tác xã với 140 triệu thành viên và khoảng 4,9 triệu người làm thuê, cho thấy mô hình kinh tế này phát triển không chỉ về quy mô mà còn đạt tốc độ mạnh mẽ và sự tăng trưởng chiều sâu. Ở châu Mỹ, nước Mỹ có gần 50.000 hợp tác xã với khoảng 150 triệu thành viên. Các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp. Tổng doanh thu của các hợp tác xã này vào khoảng 105 tỷ USD, trong đó 1/3 thuộc về 100 hợp tác xã lớn nhất. Với chức năng thông tin cơ bản của mình, báo chí có thể đi sâu tìm hiểu, tuyên truyền các mô hình, kinh nghiệm hoạt động tiên tiến của các nước, phản ánh những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo, phù hợp để áp dụng trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta; phản ánh nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế, xu hướng tiêu dùng mới nhất, hay những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể mà các nước đang đối mặt, giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta ngày một hoàn thiện, phát triển hơn, vươn ra ngoài biên giới quốc gia, lãnh thổ.
Bên cạnh đó, trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ, nhu cầu chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm... thì chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết. Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ để “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.”. Báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu hơn những khó khăn, thuận lợi, và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Sau hai mươi năm đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương năm khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với sự tuyên truyền, cổ vũ, tham góp của báo chí, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới./.