Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi


Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục "ngủ đông" bất chấp việc các chủ đầu tư tiếp tục tung nhiều chính sách ưu đãi kích cầu thị trường.

Những vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài. Ảnh:VA
Những vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài. Ảnh:VA

Báo cáo từ DKRA group mới đây cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều khởi sắc, nguồn cung mới và giao dịch chỉ diễn ra chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng. Trong khi đó, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như nhà phố, shophouse, condotel rơi vào tình trạng "ngủ đông".

 

“Điểm sáng” biệt thự nghỉ dưỡng

Theo đó, trong tháng 5/2024 chỉ có nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận tăng so với cùng kỳ 2023, với 90 sản phẩm từ 3 dự án mới. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước 2022 và tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 66%), miền Nam (chiếm 34%).

Cũng trong tháng, lượng giao dịch thành công đạt 23 căn biệt thự, chiếm 26% lượng hàng trong tháng. Giá bán giao động từ 11,9 – 36,9 tỷ đồng/căn tại miền Bắc và 5,2 – 5,8 tỷ đồng/căn tại miền Nam.

Mức thanh khoản của phân khúc là đáng chú ý nhất với tỷ lệ gia tăng tới hơn 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và tập trung vào những căn có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn. Dù vậy, DKRA cho biết mặt bằng giá sơ cấp vẫn neo ở mức cao và sức cầu thị trường tăng không đáng kể so với các tháng trước đó.

Trái ngược, phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng lại không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Điều đáng nói dù nhu cầu ảm đạm, giá bán sơ cấp vẫn không giảm. Do đó, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn. Thậm chí, một số sản phẩm thuộc thị trường thứ cấp giảm giá từ 30% - 40% nhưng vẫn không bán được hàng.

Cần thêm thời gian tái nhập cuộc

Có thể thấy, trong bối cảnh sức mua giảm mạnh và nguồn cung mới vắng bóng do gặp vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài.

Nhận định về thị trường, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cho biết, sức cầu thị trường xuống rất thấp, niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại. Nhiều nhà đầu tư còn “quay lưng” với thị trường do lo ngại pháp lý và hiệu quả khai thác kém, khó thu được lợi nhuận.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc. Hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng... đang được đẩy nhanh tiến độ, dự báo sẽ bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Từ đó, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường.

Giải quyết khó khăn cho phân khúc này, ngoài việc tìm hướng đi từ du lịch, một số ý kiến cho rằng thu hút dòng kiều hối cũng là một giải pháp. Bởi lẽ, khác với xu hướng chung trong nước, dòng vốn kiều hối lại có xu hướng đổ vào những phân khúc "thanh khoản khó", giá trị cao như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo các chuyên gia, các sản phẩm “kén khách” này được Việt kiều “ưa chuộng” bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già.

Đặc biệt là khi Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024 có nhiều điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý liên quan tới nhóm đối tượng này. Trong đó, hai nhóm đối tượng gồm người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt định cư ở nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn