Bộ Tài chính đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Trần Huyền

Công tác cải cách tổ chức bộ máy luôn được Bộ Tài chính xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Triển khai hiệu quả công tác này, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính thời gian qua ngày càng được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Để cải cách hiệu quả tổ chức bộ máy hành chính, Bộ Tài chính đã rà soát, hoàn thiện vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua đó, hướng đến phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị theo hướng một việc chỉ giao một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm chính đảm bảo cơ cấu tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý Ngành.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính; ban hành 08 Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; 06 Quyết định về sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị thuế, hải quan, kho bạc...

Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy giảm 15 đầu mối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, cụ thể: giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Bộ; Tổng cục Thuế giảm 02 Chi cục; Kho bạc nhà nước giảm 09 Kho bạc nhà nước cấp huyện và 01 phòng thuộc Văn phòng; Tổng cục Hải quan giảm 03 Chi cục.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa Ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Năm 2021, Bộ Tài chính được giao 66.836 biên chế công chức (giảm 10% so với năm 2015) đúng với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết địnhgiao biên chế công chức năm 2021 cho các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ.

Trên cơ sở tổng số biên chế Thủ tưởng Chính phủ giao Bộ Tài chính năm 2022 là 66.836 (bằng với chỉ tiêu biên chế năm 2021), Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giao biên chế công chức Bộ Tài chính năm 2022 và có công văn gửi Bộ Nội vụ về Kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế năm 2021 của Bộ Tài chính. Kết quả, trong năm 2021, toàn ngành Tài chính thực hiện tinh giản biên chế 149 trường hợp, trong đó: Tổng cục Thuế 123; Tổng cục Hải quan 1; Kho bạc nhà nước 17; Tổng cục dự trữ nhà nước 05; Trường đại học Tài chính – Kế toán 3.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Song song với cải cách tổ chức bộ máy, công tác cải cách công vụ cũng được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả. Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo đó, thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành; tăng cường quản lý, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng công chức, viên chức và người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2021–2025 và giai đoạn 2026–2030; chú trọng triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính theo hướng “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức toàn ngành; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với thực tiễn quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng sẽ được ngành Tài chính tích cực triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành; rà soát và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô phù hợp, tăng cường tính liên thông, thống nhất, thông suốt trong hoạt động quản lý của ngành Tài chính; tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ...