Bộ Tài chính hoàn thiện loạt cơ chế chính sách, "mở lối" cho khoa học công nghệ tăng tốc
Rốt ráo vào cuộc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Tài chính đã và đang khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, "mở lối" thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Ưu tiên bố trí ngân sách phát triển khoa học công nghệ
Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trọng yếu trong lĩnh vực tài chính và đầu tư gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu - nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Thuế giá trị gia tăng. Các nội dung sửa đổi đều tập trung tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có thêm dư địa phát triển.
Không chỉ ở Luật sửa 8 luật nêu trên, Bộ Tài chính cũng hoàn thiện các chính sách tại các Luật sửa đổi, bổ sung các Luật như: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý thuế để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 với mục tiêu cụ thể hóa các định hướng lớn của số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vào trong khuôn khổ pháp lý.
Tại Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước là bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.
Luật cũng nêu rõ lĩnh vực chi sự nghiệp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong các lĩnh vực chi ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Khoa học và công nghệ cũng được bổ sung việc hướng dẫn, tổng hợp và đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương. Dự toán đảm bảo tổng mức và cơ cấu phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Một điểm mới đáng chú ý là các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thực hiện theo hình thức đặt hàng không còn bắt buộc áp giá theo quy định chung, tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai. Ngoài ra, từ ngày 1/7/2025, sẽ triển khai ngay quy định phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách tỉnh và xã, tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực này, góp phần đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện tại địa phương.
Mở rộng phạm vi đầu tư vốn nhà nước
Nhiều quy định hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, mở rộng phạm vi đầu tư vốn nhà nước sang các doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, cho phép loại trừ các yếu tố khách quan khi đánh giá hiệu quả doanh nghiệp đang trong quá trình thử nghiệm công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới, phù hợp tinh thần hỗ trợ đổi mới và chấp nhận rủi ro trong Nghị quyết số 57/NQ-TW
Luật cũng bổ sung cơ chế giao Chính phủ quy định trong trường hợp sử dụng lợi nhuận sau thuế để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án nhằm linh hoạt trong việc sử dụng lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ để đầu tư vốn cho doanh nghiệp, bao gồm cả dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57/NQ-TW nếu cần thiết. Quy định về cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước cho doanh nghiệp trong trường hợp đặc biệt về quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc tình huống cấp bách cũng được bổ sung rõ ràng.
Tại Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực này. Điểm mới đáng chú ý là việc cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Quy định nêu trên được xem là cơ chế "mở" giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao tri thức, ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất - kinh doanh thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉnh sửa, làm rõ một số quy định liên quan đến chia sẻ, tích hợp dữ liệu về doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi và tính thống nhất trong quá trình áp dụng.
Không dừng lại ở việc hoàn thiện thể chế tại các luật đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm các luật khác như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân... cùng nhiều nghị định của Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh và thông thoáng hơn cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với loạt hành động đồng bộ, mạnh mẽ này, Bộ Tài chính đang cho thấy rõ vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.