Bộ Tài chính: Mạnh tay 'gỡ vướng' cho doanh nghiệp về thuế, hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt là trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua các dự án luật về thuế, hải quan cũng như trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định liên quan. Qua đó đã có nhiều cải cách rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế và thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (DN)… được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

Cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan

Với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2014, 2015, 2016) và Nghị quyết số 35/NQ-CP về phát triển DN đến năm 2020 (năm 2015). Một trong những nội dung quan trọng trong các nghị quyết trên chính là những giải pháp về cải cách thuế, hải quan.

Thực hiện các nghị quyết này, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là thuế và hải quan nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. 

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: “Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, rà soát và cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Từ việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính cho đến việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý thuế...”. 

Theo đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều Luật. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định để sửa nhiều nghị định như Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định hay Nghị định số 12/2015/NĐ-CP sửa đổi 5 nghị định...

Thông qua đó rút ngắn được thời gian sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về thuế, hải quan, sớm đưa các quy định về cải cách hành chính. Bên cạnh đó, hệ thống khai thuế qua mạng tiếp tục được mở rộng và được triển khai ở tất cả các tỉnh.

Ngoài ra, về lĩnh vực hải quan, với phương thức thông quan điện tử đã giảm thời gian giải phóng hàng xuất nhập khẩu và hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 6.000 DN.  

Giảm chi phí cho Doanh nghiệp 

Giảm chi phí cho DN là một trong những hoạt động thiết thực đối với DN mà Bộ Tài chính đã và đang triển khai. Theo ông Ngô Hữu Lợi, Bộ đã nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật, nghĩa vụ tài chính về đất đai nhằm đề xuất các giải pháp giảm tiền thuê đất cũng như cải cách thủ tục hành chính trong việc tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. 

Bên cạnh đó, thông qua công tác rà soát các vấn đề DN kiến nghị, Bộ cũng có đề xuất Chính phủ mở rộng chi phí được giảm trừ cho DN khi xác định thu nhập DN như chi phí về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho DN, chi phí quảng cáo. Đồng thời đồng hành cùng DN kiến nghị về quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh. 

Ông Ngô Hữu Lợi cho biết thêm,  Bộ Tài chính đã nghiên cứu thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Lợi cho hay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 34 giải pháp và 46 sản phẩm đầu ra. Đồng thời, việc thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng là nhiệm vụ đang được ngành Tài chính hướng tới.

Tính đến nay, nhiều nhiệm vụ và giải pháp thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài chính đã được triển khai đúng tiến độ. Đánh giá về những kết quả trên, ông Lợi nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì môi trường đầu tư ổn định, cải thiện vị trí xếp hạng Môi trường kinh doanh của Việt Nam.