05 nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế 6 tháng cuối năm

PV.

Thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại các Nghị quyết của Chính phủ và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay từ đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu cải cách TTHC với 08 nhiệm vụ, 32 giải pháp và 80 sản phẩm đầu ra. Với sự quyết tâm, nỗ lực toàn ngành Thuế, 6 tháng đầu năm 2017, ngành Thuế đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cải cách TTHC.

05 nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế 6 tháng cuối năm. Nguồn: Internet
05 nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế 6 tháng cuối năm. Nguồn: Internet
Theo đó, 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, đánh giá 28 TTHC trong lĩnh vực Quản lý thuế thu nhập cá nhân và Đăng ký thuế; đề xuất đơn giản hóa đối với 15 TTHC, trong đó: 14 TTHC lĩnh vực quản lý thuế thu nhập cá nhân và 01 TTHC trong lĩnh vực Đăng ký thuế.
Đối với nhóm TTHC liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát 300 TTHC lĩnh vực thuế, trong đó đề xuất phương án đơn giản hoá đối với 6 TTHC có giấy tờ, công chứng, chứng thực trong thành phần hồ sơ nhằm tăng quyền lựa chọn cho người nộp thuế “Bản gốc, hoặc nộp bản sao có chứng thực, hoặc nộp bản sao từ sổ gốc, hoặc nộp bản sao kèm theo xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chính” cho phù hợp với Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để trình Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hoá.
Nhằm hướng tới mục tiêu giảm thời gian và thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp, Tổng cục thuế đã đề ra 5 nhóm giải pháp cải cách TTHC thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017, bao gồm:

Một là, cải cách về thể chế chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc, tồn tại về cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng thông lệ quốc tế cắt giảm thủ tục hành chính thuế.

Chủ trì và tham gia xây dựng đề án theo kế hoạch của Bộ Tài chính đã duyệt; Sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và Tài nguyên; Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Các Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật nêu trên...

Hai là, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ thuế, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử để ứng dụng về công nghệ tin học trong tất cả các khâu quản lý thuế như tuyên truyền hỗ trợ, kê khai và nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, quản lý nợ, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại.

Ba là, xây dựng CSDL về thuế phục vụ cơ chế quản lý thuế theo rủi ro và liên thông với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính; Tập trung thực hiện Nghị quyết 36a/CP-CP về Chính phủ điện tử và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Nghiên cứu trình Bộ việc triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh.

Tiếp tục xây dựng Thông tư về việc kết nối thông tin để thực hiện khai, nộp điện tử LPTB đối với ô tô, xe máy; Tiếp tục thực hiện hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử đạt cấp độ 4, phấn đấu đạt tối thiểu 70% về số thủ tục, 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT giải quyết trong quý IV/2017…

Bốn là, công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế; Công khai TTHC thuế.

Năm là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC; Hoàn thiện tổ chức ngành thuế từ Trung ương đến địa phương: nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật của công chức thuế để đáp ứng yêu cầu cải cách thuế.
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết TTHC; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.