Bộ Tài chính thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

PV.

Ngày 22/7/2022, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 1456/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính liên quan đến thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Vấn đề xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh, quốc phòng, do vậy, đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trong đó có Bộ Tài chính.

Theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BTC, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tích cực tham gia có hiệu quả và thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tài chính chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới. 
Bộ Tài chính chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới. 

Các đơn vị tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính liên quan đến thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Quyết định số 1456/QĐ-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 phải gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cách làm sáng tạo trong toàn Bộ...

Về tiêu chí thi đua, Quyết định số 1456/QĐ-BTC nêu rõ, đối với tập thể phải hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Nghiên cứu để điều chỉnh kịp thời các văn bản hướng dẫn và tham mưu với Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Đối với cá nhân, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần có sáng kiến, giải pháp hữu ích, cụ thể trong việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ phải có trách nhiệm phổ biến, quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao hàng năm và giai đoạn 2021-2025; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện Phong trào thi đua và gửi báo cáo về Vụ Thi đua - Khen thưởng trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp, trình Bộ, báo cáo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương theo quy định.

Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BTC của Bộ Tài chính cũng nêu rõ tiến độ thực hiện như sau: Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai Phong trào thi đua trong Quý III/2022. Năm 2023 sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết phong trào thi đua vào năm 2025. Hàng năm, các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng nông mới sẽ thực hiện nhiệm vụ tại xã đặc biệt khó khăn mà Bộ Tài chính đã đăng ký nhận chỉ đạo, hỗ trợ.