Bộ Tài chính xây dựng, phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả rất tích cực. Công tác này sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai theo Chiến lược tài chính đến năm 2030 cũng như Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thiết lập nền tảng tài chính số
Tại Hội thảo về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2022, chia sẻ về Chiến lược tài chính đến 2030, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, đột phá trong chuyển đổi số ngành Tài chính là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập nền tảng tài chính số, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia; Chủ động áp dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0, nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ.
Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ theo định hướng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số; Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngành Tài chính cũng sẽ nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; Nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; Triển khai hệ thống tổng thể công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát, giao dịch và các nghiệp vụ của thị trường chứng khoán hiện đại, hiệu quả, đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định của thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh kết nối hạ tầng, hệ thống thông tin Kho bạc Nhà nước, hải quan, thuế với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dụng.
Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển tài chính số, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính; Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính. Đồng thời, phát triển các nền tảng, hệ thống, xây dựng các nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm có (nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử).
Ngành Tài chính tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Ngành; Tăng cường tuyên truyền phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu đúng, hiểu đủ về ý nghĩa và sự cần thiết phải chuyển đổi số, và các nhận thức về kinh tế số đối với người dân, doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan nhà nước; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân đặc biệt trong lĩnh vực tài chính điện tử.
Thông tin về kế hoạch chuyển đổi số của ngành Tài chính, ông Nguyễn Việt Hà – Phó Cục trưởng Cục Tin hoc và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là kế hoạch hành động mang tính tổng thể, toàn diện của Bộ Tài chính nhằm giúp các đơn vị trong ngành Tài chính dễ dàng theo dõi, bám sát triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị mình, một mặt giúp các đơn vị có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh chuyển đổi số tổng thể ngành Tài chính, nhằm đưa ra được định hướng phát triển, lộ trình cụ thể đối với các nhiệm vụ của đơn vị mình để phù hợp với tổng thể chung của Ngành.
Về mục tiêu, ngoài các mục tiêu chung, Quyết định số 1484/QĐ-BTC có tổng cộng 33 mục tiêu và được chia thành 03 nhóm mục tiêu chính: Cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội; Vận hành tối ưu các hoạt động của Bộ Tài chính; Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ Tài chính có tổng cộng hơn 100 nhiệm vụ, trong đó tập trung phát triển trên 05 mặt cốt lõi gồm phát triển hạ tầng, phát triển các ứng dụng dịch vụ số, phát triển các cơ sở dữ liệu, phát triển các nền tảng, hệ thống, triển khai các giải pháp an toàn bảo mật thông tin.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, việc triển khai tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC sẽ từng bước thay đổi mọi hoạt động cho cho các cá nhân, tổ chức trong ngành Tài chính. Trong đó, sẽ thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành, hoạt động dựa trên dữ liệu số; thay đổi quy trình làm việc từ thủ công sang môi trường số; thay đổi phương thức người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ số… giúp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí trong công tác quản lý, điều hành và các hoạt động khác của Bộ Tài chính cũng như tiết kiệm thời gian chi phí cho người dân doanh nghiệp khi tham gia sử dụng các dịch vụ của Bộ Tài chính.
Chú trọng đầu tư cho con người, ứng dụng nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo
Phân tích chuyển đổi số của Bộ Tài chính Indonesia, ông Erwin Ariadharma - Chuyên gia cao cấp về quản lý khu vực công, Khối quản trị toàn cầu (GGP) WB cho biết, để đẩy mạnh sự tham gia và cải thiện trải nhiệm của công chúng, doanh nghiệp và cộng đồng sử dụng các dịch vụ số của Bộ Tài chính, các ứng dụng cần dược liên tục phát triển và cải thiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng truyền thông nhiều hơn về sự thay đổi, phát triển liên tục của các ứng dụng và tính hiệu quả cho các bên liên quan.
Bên cạnh đó, kho dữ liệu có năng lực phân tích dữ liệu cần được xây dựng, để tích hợp các loại báo cáo khác nhau và thực hiện mô phỏng dữ liệu nhằm cải thiện về ra quyết định và hỗ trợ sự tham gia của người dân. Theo ông Erwin Ariadharma, điều thiết yếu là cung cấp nguồn lực đủ và kịp thời để hỗ trợ phát triển và triển khai việc xây dựng và cải thiện sản phẩm. Ngoài ra, đầu tư cho con người, đặc biệt là nhân tài số trong chính phủ là hết sức quan trọng.
Nhấn mạnh vai trò của nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, ông Lê Việt Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm nền tảng và phân tích dữ liệu cho rằng, ngành Tài chính cần đặt dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ở mực độ ưu tiên cao nhất. Đồng thời, cần triển khai giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lợi từ dữ liệu nhằm tăng thu ngân sách, phát hiện gian lận và kiểm soát chi hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế tiền lương thỏa đáng để tuyển dụng và giữ chân cán bộ ngành công nghệ thông tin. Ngoài lương cũng cần có những đổi mới mang tính linh hoạt trong trả lương và thời gian làm việc cũng như các chế độ khác...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định: "Với các kết quả đạt được, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong việc tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Các ý kiến của đại biểu sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính số công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả".