“Bơm” vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời “bơm” vốn, giúp người dân, doanh nghiệp có thêm động lực tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngay sau khi được Trung ương phân bổ nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng tiến hành giải ngân, đảm bảo nguồn vốn đến người dân, doanh nghiệp nhanh nhất có thể.
Theo đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 15-6-2022, Tổng Giám đốc NHCSXH Trung ương đã phân bổ 467 tỷ đồng (trong đó các chương trình tín dụng thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 195 tỷ đồng) cho tỉnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương. Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, NHCSXH Chi nhánh tỉnh tập trung triển khai giải ngân, nhanh chóng và kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, với doanh số cho vay hơn 740 tỷ đồng cho gần 24.000 lượt khách hàng vay vốn, trong đó, hỗ trợ hơn 1.300 lượt hộ nghèo, 2.500 lượt hộ cận nghèo được tiếp cận vốn và tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay chi nhánh đã tập trung giải ngân được trên 55 tỷ đồng cho hơn 2.000 lượt khách hàng vay vốn để phục hồi và phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn mà nhiều đơn vị đã duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty Cổ phần May Nhà Bè Sóc Trăng, do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty đã phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian ngắn, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên với sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn từ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, công ty có thêm động lực tài chính tái hoạt động, mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để NHCSXH cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Với mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là 2%/năm tính trên số dư nợ vay của các khoản giải ngân được giải ngân trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất và thời gian vay được hỗ trợ lãi suất. Đây là chương trình rất có ý nghĩa đối với các hộ được vay vốn để tái sản xuất sau đại dịch.
Cầm 50 triệu đồng vừa được NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng giải ngân tại điểm giao dịch lưu động Phường 6, TP. Sóc Trăng, anh Kim Thanh Sang rất vui, bởi vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vợ chồng anh gần như mất hết vốn do phải nghỉ bán ở nhà phòng dịch. Sau khi được xét cho vay và giải ngân ngay trong buổi sáng, đặc biệt còn được hỗ trợ 2% lãi suất nên anh rất phấn khởi. Anh Sang cho biết: “Nếu trước kia vay 50 triệu đồng, hàng tháng tôi phải trả lãi 330.000 đồng thì giờ có chủ trương giảm 2% lãi suất, mỗi tháng tôi giảm được 83.000 đồng, đây là số tiền rất có ý nghĩa với gia đình tôi”. Theo anh Sang, với số tiền 50 triệu đồng, vợ chồng anh sẽ đầu tư mua bán trái cây, hy vọng cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Trịnh Bích Tuyền cho biết thêm, để Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến được với tổ chức, cá nhân theo đúng quy định, trong thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tại Hội sở thống kê và xác định kế hoạch cho vay trong năm 2022 và năm 2023. Theo đó, số tiền dự kiến hỗ trợ để lập dự toán và đăng ký với trụ sở chính ngân hàng dư nợ bình quân năm trong 2 năm để hỗ trợ lãi suất là gần 772 tỷ đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất kế hoạch trong 2 năm là trên 15,4 tỷ đồng.
Theo đồng chí Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, chính sách hỗ trợ này nhằm giúp các tổ chức, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn, góp phần giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.
Vì vậy, để nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân biết rõ đối tượng thụ hưởng; điều kiện được hỗ trợ; thời hạn và mức lãi suất được hỗ trợ; mục đích vay vốn phải thuộc một trong số các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ… Chủ động tư vấn và hướng dẫn khách hàng tiếp cận nhanh nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất khi hội đủ các điều kiện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng thương mại phải bảo đảm hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích. Về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, có ý đồ trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nhiều nghị quyết, nghị định được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và sự vào cuộc trách nhiệm của NHCSXH và các ngân hàng thương mại trong tỉnh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người dân tiếp cận được nguồn vốn, tiếp thêm động lực tài chính giúp họ có điều kiện phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.