Bộ trưởng Cao Đức Phát:

“Bóng dáng công nghệ trên tàu cá chỉ có… cái Iphone”

N.K

(Taichinh) - “Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta phải cạnh tranh với thị trường thế giới và để làm được điều này, chúng ta cần nâng cao trình độ khoa học công nghệ (KHCN) ngang bằng thế giới và cao hơn, chứ không phải tốt hơn so với chính mình”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên xoay quanh chủ đề ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy sản hiện nay.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản hiện nay?

“Bóng dáng công nghệ trên tàu cá chỉ có… cái Iphone” - Ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Thời gian vừa qua, các viện, trường đã cố gắng trong phát triển nghiên cứu KHCN ở lĩnh vực thủy sản nước ta và đưa tỷ lệ KHCN ở nước ta lên tầm cao của thế giới như trong lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng, cá tra… Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề yếu kém từ trong nghiên cứu và dẫn đến yếu kém về trình độ KHCN trong sản xuất. Vì vậy, cần lựa chọn giải pháp nghiên cứu hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất toàn ngành Thủy sản.

Nếu như nói về ngành, có hai điều khiến tôi trăn trở nhất là hiệu quả và sự bền vững. Một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất đến cả hai điều đó là dịch bệnh. Mặc dù, chúng ta đã cố gắng nhưng dịch bệnh còn nhiều và phát triển ở quy mô lớn hơn, gây ảnh hưởng đến môi trường, thế nhưng nghiên cứu để khắc phục còn hạn chế.

Trong lĩnh vực đánh bắt thì sự chuyển biến về KHCN còn chậm. Cụ thể, sự chuyển hóa KHCN trên tàu cá rất chậm. Chúng ta có thể đóng nhiều con tàu có mã lực lớn nhưng trình độ KHCN chưa tiến bộ. Có lần, tôi lên tàu cá nhìn xem đâu là bóng dáng công nghệ nhưng chỉ có cái Iphone. Tôi trăn trở nhất là trang thiết bị cho nghề cá trên biển, ai sẽ nghiên cứu và phát triển. Chẳng lẽ cứ để ngư dân tiếp tục đánh cá như mấy chục năm về trước?…

Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém này?

Tôi thấy nguyên nhân đầu tiên là cách nhìn nhận và tiếp cận vấn đề. Chúng ta vẫn còn nặng cách tiếp cận cũ, thấy cái gì cũng muốn nghiên cứu, cái gì cũng cần nhưng nguồn lực rất hạn chế.

Trên thực tế, một năm, kinh phí dành cho KHCN mà ngân sách nhà nước giao cho Bộ NN&PTNT là 750 tỷ đồng, thì mất 350 tỷ đồng để trả lương, còn lại 400 tỷ đồng chia cho rất nhiều lĩnh vực. Riêng lĩnh vực thủy sản chỉ được 40 tỷ đồng. Nếu chúng ta cứ đi theo hướng tiếp cận cũ là đầu tư dàn trải, thấy cái gì nghiên cứu được là đề xuất nghiên cứu thì hiệu quả sẽ không cao.Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải lựa chọn lĩnh vực để tập trung nghiên cứu.

Thứ hai, việc huy động tổng lực các lực lượng để tham gia ứng dụng KHCN, nếu cứ nhìn vào 4 viện nghiên cứu và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì chưa ổn mà cần có một phương thức mới. Ngoài ra, hệ thống nghiên cứu KHCN của chúng ta còn quá ít so với yêu cầu của một nước nông nghiệp. Lực lượng đó còn bị sử dụng phân tán, trang thiết bị thiếu, hoạt động kém hiệu quả. Ngay cả sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) còn tự lực, tự mày mò, nghiên cứu đề tài theo hướng người tài trợ.

Trước thực trạng này, cần có giải pháp gì để thay đổi trình độ KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy sản thưa Bộ trưởng?

Chúng ta cần có phương thức tổ chức lại để nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao KHCN của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản nhằm làm cho ngành Thủy sản phát triển bền vững hơn, trước hết là thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành.

Trên biển, mở rộng và đẩy mạnh đánh bắt xa bờ. Theo chủ trương nâng cao hiệu quả khai thác bền vững, chúng ta cần nghiên cứu trữ lượng, quy luật sinh đẻ, di trú…của thủy sản để đưa ra dự báo ngư trường liên quan đến đánh bắt…

Trên bờ, cần thúc đẩy mạnh hơn phần nuôi trồng thủy sản. Quy luật của kinh tế thị trường là muốn cạnh tranh cần phát huy lợi thế. Chúng ta cần kết hợp ưu thế tự nhiên và ứng dụng KHCN để phát huy lợi thế 4 sản phẩm chủ lực: Tôm, cá tra, rô phi, nhuyễn thể…

Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực tổng thể để tạo sức mạnh cho ngành. Các viện nghiên cứu nên tiếp thu đưa công nghệ tiên tiến về nước và báo cáo Bộ hỗ trợ. Song song đó, kiên trì thực hiện chính sách khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư vào nghiên cứu chuyển giao KHCN và tăng cường liên kết công tư. Chỉ có cách này mới giúp cho nước ta tiếp cận nhanh nhất với tinh hoa KHCN thế giới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!