Các chuyên gia hiến cho Bộ Tài chính các giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư

Thanh Sơn - Thu Dịu

Thông tin tại hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” diễn ra ngày 28/3 tại TP. Hồ Chí Minh Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc thu hút nguồn vốn qua hệ thống quỹ đầu tư cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, những đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các ý kiến đề xuất khách quan sẽ “hiến kế” cho Bộ Tài chính các giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (bên trái) đang trao đổi với các chuyên gia bên ngoài sự kiện. Ảnh: BTC
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (bên trái) đang trao đổi với các chuyên gia bên ngoài sự kiện. Ảnh: BTC

Việt Nam điểm đến tin cậy của nhà đầu tư

Thông tin tại hội nghị Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư qua thị trường vốn và FDI, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, tổng vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với 2023, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhà đầu tư nước ngoài mở gần 48.000 tài khoản với tổng giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổ chức nước ngoài chiếm 20,7%. FDI thực hiện đạt mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần giúp GDP tăng 7,09%, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 thế giới.

Điểm đến Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Ông Jeong Jihoon, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào nhiều quốc gia trên thế giới đang chững lại, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút FDI ấn tượng. Hiện tại, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam, với hơn 10.000 dự án và 91,92 tỷ USD vốn FDI.

Nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vì các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện khí. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư vào R&D, đồng thời ưu đãi mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao. Nhờ lợi thế địa lý thuận lợi, Việt Nam có hệ thống logistics và giao thông phát triển, đồng thời duy trì sự ổn định về mặt ngoại giao, giúp giảm bớt rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapitaltại tại sự kiện “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”. Ảnh: BTC
Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapitaltại tại sự kiện “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”. Ảnh: BTC

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam Seck Yee Chung cũng đánh giá cao tiềm năng Việt Nam. Song bên cạnh những thuận lợi, ông Seck Yee Chung cũng chỉ ra nhiều thách thức về hạ tầng chưa đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà, pháp lý thiếu minh bạch và cạnh tranh gay gắt trong khu vực. Do đó, để thu hút nhà đầu tư hơn nữa, Việt Nam cần có các giải pháp cải cách hành chính, ưu tiên đầu tư giao thông – logistics, đào tạo nghề và đẩy mạnh hợp tác công – tư để thu hút FDI bền vững.

Theo ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital một trong những giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư riêng lẻ tham gia vào các quỹ đầu tư là khuyến khích đào tạo, tăng cường truyền thông giáo dục. Bởi, các quỹ đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư riêng lẻ giảm thiểu các rủi ro khi tham gia thị trường, về lâu dài mang lại lợi nhuận cao hơn. Tại các quốc gia trên thế giới, xu hướng đầu tư qua các quỹ đã nổi lên mạnh mẽ.

Một điểm đặc biệt khác, đại diện VinaCapital nhấn mạnh là Nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và cần nguồn vốn lớn. Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang sử dụng đòn bẩy từ các ngân hàng, nhưng mang tính ngắn hạn. Các quỹ đầu tư sẽ là nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo hướng dài hạn. Sự phát triển của quỹ đầu tư từ đó sẽ song hành, là đòn bẩy cho kinh tế tư nhân.

Ưu tiên thu hút đầu tư FDI công nghệ

Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài bền vững và chất lượng cao là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển lâu dài. Để cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam nên tập trung vào 3 yếu tố quan trọng gồm: chính sách cần nhất quán, rõ ràng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng chuỗi cung ứng xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo chuyên gia  Việt Nam cần ưu tiên thu hút đầu tư các ngành như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen… Ảnh: BTC
Theo chuyên gia  Việt Nam cần ưu tiên thu hút đầu tư các ngành như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen… Ảnh: BTC

Thông tin đến các nhà đầu tư về định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực mới nổi như: chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen… và tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu trên Việt Nam đang tích cực triển khai 7 giải pháp để thu hút đầu tư trong giai đoạn mới như: ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục; tháo gỡ điểm nghẽn trong thể chế...

Bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện thể chế, Việt Nam triển khai đào tạo 100.000 kỹ sư điện tử, 50.000 kỹ sư bán dẫn; khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đặc biệt, áp dụng ưu đãi thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% trong 13 năm cho các trung tâm R&D từ 3.000 tỷ đồng hoặc dự án từ 30.000 tỷ đồng giải ngân nhanh, có chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai một số ưu đãi đầu tư đặc biệt như: thời gian hưởng thuế suất ưu đãi tối đa 5% có thể lên tới 37 năm; miễn giảm tối đa 6 năm, giảm 50% trong 13 năm đối với trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng...