Siết quản lý tài sản công: Phát huy vai trò giám sát của người dân

TS., Luật sư. Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh/nld.com.vn

Việc xử lý, thực hiện xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công cần có cơ chế đặc thù để người dân có thể giám sát, kiểm tra việc xử lý, thực thi các quyết định xử lý vi phạm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Theo đó, các cơ quan chức năng của nhà nước; các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm chuyển hồ sơ (nếu có) hoặc thông báo đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính. Các hành vi có thể bị xử phạt do VPHC đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công; đi thuê tài sản và cho mượn tài sản công.

Phạt nặng sử dụng xe công sai mục đích

Cũng theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, trường hợp sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân, đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích.

Hành vi trao đổi tài sản công không đúng quy định (dùng tài sản công của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép) bị phạt tối đa 20 triệu đồng; dùng tài sản công làm quà tặng, mức phạt lên tới 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi…

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP áp dụng với các tổ chức cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác thành lập theo quy định pháp luật về hội, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tối đa 100 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tối đa 200 triệu đồng. Đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước bị phạt tối đa 50 triệu đồng và 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Ngoài ra, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành; vi phạm sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (sai mục đích, tôn chỉ của quỹ, không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ) phạt từ 20-30 triệu đồng

Theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt. 
Theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt. 

Cần cơ chế đặc thù

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để Nghị định này thực sự đi vào cuộc sống, vấn đề cần phải được xác định rõ về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (VPHC), quy trình thực hiện, cơ chế xử lý và thẩm quyền xử phạt.

Theo Nghị định, đối tượng bị xử lý VPHC gồm nhiều đối tượng khác nhau, trong đó bao gồm cơ quan nhà nước (gồm cả UBND, sở, phòng...). Thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công: chủ tịch UBND và thanh tra.

Như vậy, đặt trường hợp chủ tịch UBND tiến hành xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm của UBND nơi chủ tịch đang giữ chức vụ thì sẽ giải quyết như thế nào? Vấn đề xác định người nộp tiền phạt được thực hiện theo hình thức là UBND sẽ chịu trách nhiệm nộp trước, sau đó xác định trách nhiệm cá nhân để tiến hành nộp lại số tiền mà UBND đã nộp. Trong trường hợp việc xử phạt VPHC không đúng thì ai sẽ là người tiến hành khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị khởi kiện?

Đó chỉ là một dẫn chứng, áp dụng trong thực tế sẽ phát sinh các vấn đề về thẩm quyền xử phạt, đối tượng áp dụng và quyền khởi kiện của các chủ thể liên quan. Trong các quy định vẫn tồn tại sự chồng chéo về vấn đề xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm, thiếu tính khách quan và bảo đảm thực hiện được việc giám sát, thực thi các quy định.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, cần xác định thẩm quyền xử phạt phải là cơ quan độc lập, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đối tượng bị xử phạt hoặc áp dụng theo hình thức cấp trên trực tiếp sẽ tiến hành xử phạt đối với cơ quan vi phạm cấp dưới. Việc xử lý, thực hiện xử lý VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công cần phải có cơ chế đặc thù để người dân có thể giám sát, kiểm tra việc xử lý, thực thi các quyết định xử lý VPHC.

Bởi lẽ, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, người dân cần phải biết được việc sai phạm, xử lý sai phạm liên quan đến tài sản toàn dân như thế nào. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế cho người dân được quyền kiến nghị, giải quyết kiến nghị về việc phát hiện hành vi sai phạm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và phải có kết quả trả lời bằng văn bản cho người dân được biết.

Vai trò giám sát của nhân dân, các cơ quan báo chí rất quan trọng, là cánh tay nối dài của Đảng và nhà nước, giúp quản lý xã hội tốt hơn.