Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên:
Chủ động nguồn lực, sẵn sàng xuất cấp hàng dự trữ quốc gia trong mọi tình huống
Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), 30 năm qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã luôn thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG) trên địa bàn 3 tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Nối tiếp thành quả đạt được, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát huy trí tập thể, dân chủ, đoàn kết và không ngừng đổi mới, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Không ngừng lớn mạnh về mọi mặt
Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên được thành lập ngày 26/5/1992 theo Quyết định số 657/DT-QĐ của Cục trưởng Cục DTQG (nay là Tổng cục DTNN) trên cơ sở sáp nhập Cụm kho C443 Chi cục V (nay là Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình) và Tổng kho 3 - Chi cục III (nay là Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ).
Chặng đường 10 năm đầu thành lập (1992 - 2002), đơn vị đối diện với nhiều thách thức như: Đội ngũ cán bộ, công chức phần lớn chưa qua đào tạo nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn về bảo quản hàng hóa DTQG; cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, hệ thống kho cũ, xuống cấp. Mặt hàng dự trữ chủ yếu là gạo, được bảo quản bằng phương pháp đóng bao, thóc được bảo quản bằng phương pháp đổ rời, thông thoáng tự nhiên...
Năm 2003, Chi cục được đổi tên thành DTQG khu vực Tây Nguyên với 4 tổng kho, gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Giai đoạn này, hệ thống kho dự trữ, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản gạo, thóc, vật tư cứu hộ cứu nạn được đầu tư, cải tạo; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Đáng chú ý, đơn vị đã sử dụng khí CO2 để bảo quản mặt hàng gạo và phương pháp yếm khí cho mặt hàng thóc.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 20/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 106/QĐ-TTg, theo đó DTQG khu vực Tây Nguyên được tách thành Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên và Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên.
Trong những năm qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã từng bước hoàn chỉnh về cơ cấu, tổ chức bộ máy theo quy định, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG được trang bị hiện đại, riêng mặt hàng gạo được chuyển sang bảo quản bằng khí nitơ.
Là đơn vị trực thuộc Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên quản lý hoạt động DTQG trên địa bàn 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; địa bàn quản lý rộng nên đơn vị gặp không ít khó khăn. Mỗi nhiệm vụ cứu trợ đều đặt ra yêu cầu phải ứng phó kịp thời trong điều kiện đột xuất, cấp bách… Từ yêu cầu đặt ra, tập thể cán bộ, công chức của Cục luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân lúc cần.
Phát huy hiệu quả vai trò của nguồn lực DTQG
Cùng với sự phát triển, lớn mạnh của ngành DTNN, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã trải qua 30 năm hình thành và phát triển không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò trên địa bàn và trong hệ thống DTNN.
Đặc biệt, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã tích cực, chủ động mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG theo kế hoạch được giao; xây dựng phương án giá mua, bán theo quy định. Cùng với đó, đơn vị thực hiện xuất hàng DTQG để cứu trợ, cứu nạn, hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, đầy đủ số lượng, chất lượng và hiệu quả.
Minh chứng là trong 30 năm qua, đơn vị đã thực hiện mua thóc nhập kho DTQG là 47.000 tấn; mua gạo nhập kho DTQG là 113.000 tấn gạo; nhập vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn gồm: Nhà bạt các loại 1.900 bộ; phao áo cứu sinh 25.000 chiếc; phao tròn cứu sinh 27.000 chiếc; thiết bị chữa cháy rừng 80 bộ; máy phát điện 10 bộ...
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ nhập hàng DTQG, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên luôn thực hiện kịp thời nhiệm vụ xuất cứu trợ, viện trợ gạo DTQG và vật tư thiết bị theo quyết định của các cấp có thẩm quyền, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, 30 năm qua, đơn vị đã xuất cấp gạo cứu trợ cho nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt hàng năm, xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn 80 nghìn tấn gạo DTQG; xuất vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn gồm: Nhà bạt 1.700 bộ, phao tròn cứu sinh 16.000 chiếc, phao áo cứu sinh 23.000 chiếc, thiết bị chữa cháy rừng 54 bộ.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn Nam Tây Nguyên nói riêng, đơn vị đã triển khai xuất cấp, giao nhận: vật tư thiết bị DTQG gồm: 300 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; hỗ trợ gần 2.000 tấn gạo cho nhân dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giúp nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Riêng những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, bằng sự nỗ lực không ngừng, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã khẩn trương xuất cấp gần 2.900 tấn gạo hỗ trợ người dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xuất hơn 2.107 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2021 - 2022 và người dân tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xuất gần 500 tấn gạo hỗ trợ người dân tỉnh Đắk Nông trong dịp giáp hạt đầu năm 2022. Mới đây, Cục cũng hoàn thành nhập 7.000 tấn gạo DTQG năm 2022 theo đúng tiến độ, bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng.
Thực tế cho thấy, nguồn lực DTQG tại đơn vị đã được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tạo được sự tin tưởng, đánh giá cao của người dân trên địa bàn.