Có nên tiếp tục đổi đất lấy hạ tầng?
Thời gian vừa qua, các dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” cho thấy nhiều bất cập. Đây mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trong khi người dân không biết nhiều thông tin về các dự án này. Vậy có nên tiếp tục đổi đất lấy công trình nữa không?
Với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng xong sẽ được cơ quan nhà nước thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.
Thế nhưng, khu đất dùng để trao đổi trùng hợp là thường được chỉ định ở vị trí đẹp và thậm chí còn giao cho NĐT trước khi công trình hoàn thành.
Phát hiện nhiều sai phạm
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau khi kiểm toán 21 dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.
Ví dụ được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội), công trình chỉ dài 3,5km theo hình thức BT song chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70ha cho nhà đầu tư.
Chưa kể nhiều dự án BT bị phát hiện sai phạm về chất lượng công trình, chi phí cao gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.
Đáng chú ý, những dự án BT với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng từng được coi là sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990, nhưng sau đó đem đến hệ quả là tham nhũng, khiến nhiều lãnh đạo tỉnh này bị thi hành kỷ luật.
Theo ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, so với dự án BOT, dự án BT ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn, do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán và cũng ít thông tin hơn về dự án này. Do đó, khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có công bố nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu.
Từ đó, không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý.
Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ dẫn đến dễ xảy ra sai sót, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém.
Bán đất thay vì đổi đất
Trước thực tế trên, ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, cho rằng chúng ta cần có Luật BOT, BT. Ông Doanh nhấn mạnh BT còn nguy hiểm hơn BOT, vì BT người dân không biết gì, không biết đất được giao bao nhiêu.
“Hà Nội có 200 dự án BT thì chi phí bao nhiêu, giá như thế nào. Do vậy, BT phải đấu thầu. Cũng như cần có luật BOT và BT, trong đó có quy định rõ ràng trách nhiệm chứ như hiện nay, thực hiện nhiều mà không có khuôn luật pháp gì”, ông Doanh cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng để minh bạch các khoản đầu tư nên bán đất một cách công khai thay vì đổi đất lấy hạ tầng như hiện nay.
Ông Cung nêu quan điểm: “Không nên tiếp tục đổi đất lấy công trình nữa. Tại sao chúng ta phải đổi đất, trong khi chúng ta có thể bán đất một cách công khai, minh bạch, sau đó lấy tiền đem đi đầu tư”.
Do đó, cần phải có suy nghĩ khác để sử dụng nguồn lực tốt hơn. Sử dụng nguồn lực cũng phải trên nguyên tắc bán đất lấy tiền để đầu tư, chứ không nên dùng hình thức hàng đổi hàng, thiếu minh bạch như hiện nay.
Như vậy, theo ông Cung, chỉ khi phát triển được thị trường quyền sử dụng đất mới có định hướng xử lý hiệu quả. Các giao dịch này cũng sẽ trở nên minh bạch và triệt tiêu được địa tô ở trung gian và lợi ích nhóm xung quanh. Lợi ích các bên sẽ được nhiều hơn và sẽ sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có.
“Nếu chúng ta cải cách, phát triển được thị trường quyền sử dụng đất, chúng ta sẽ vốn hóa được quyền sử dụng đất hàng trăm triệu, hàng trăm nghìn tỷ từ đây”.
Trước đó, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường, đề nghị cần giới hạn lại các phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT. Theo đó, chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư.
Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT, mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.
Cụ thể, tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác, dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng.