Công nghiệp cơ khí Việt Nam: Dư địa phát triển còn rộng mở

Bích Thuỷ

Trong những năm qua, với những cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và một số địa phương, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo đã đạt được một số thành tựu quan trọng; tuy nhiên vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu, tiềm năng và lợi thế, trong khi Việt Nam đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ảnh minh họa. Ảnh internet
Ảnh minh họa. Ảnh internet

Còn nhiều dư địa để phát triển

Tại hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, chế tạo, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.

Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô trong nước. Nhờ đó, một số thành tựu quan trọng đã được đạt được. Nhiều sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy, thiết bị công nghiệp và sản phẩm gia công cơ khí không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có khả năng xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC (điều khiển máy móc tự động), tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Thành Công, Thaco, Vingroup... đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những "đầu tàu" dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhờ đó, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ rõ, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngành chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô còn thấp, chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện.

Chính sách cần đủ mạnh và khả thi

Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng rất cần những chính sách đủ mạnh và khả thi ở cả cấp Trung ương và địa phương, trên nền tảng chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương và các địa phương, cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trước mắt, cần tập trung sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Là địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết trong bối cảnh tỉnh đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW gắn với chiến lược phát triển công nghiệp của địa phương, Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp mạnh mẽ, coi đây là một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 21%, tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành đạt trên 8,6 tỷ USD.

“Khu công nghiệp Việt Hưng đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới, trong đó Nhà máy ô tô Thành Công là đầu tàu dẫn dắt, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô vươn lên tầm cao mới” - ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng lợi thế và cơ hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững ngành cơ khí Việt Nam. Trong đó, cần tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí.

“Hiện nay, Cục Công nghiệp đang chủ trì, tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng dự thảo Luật Phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Dự thảo này dự kiến sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, tạo điều kiện khuyến khích mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh” - ông Thành nhấn mạnh.